Ngành Văn hóa và Thể thao: Nỗ lực tạo đột phá (09:30 04/02/2022)


HNP - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã khiến nhiều ngành, lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề, trong đó, có ngành văn hóa và thể thao của Hà Nội. Tuy nhiên, với nỗ lực từ thành phố đến cơ sở, ngành văn hóa và thể thao vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, thành phố đang nỗ lực tạo bước đột phá để trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước theo Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đưa văn hóa và con người Hà Nội trở thành giá trị tinh thần to lớn


Những kết quả nổi bật
 
Trong năm 2021, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đã có 144 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư 1.389,067 tỷ đồng; thống kê 163 di tích đề xuất lập hồ sơ xếp hạng; 1.934 đền, điện, phủ thờ có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện kiểm kê; 71 nghệ nhân được Hội đồng cấp Bộ thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể… Các danh thắng, đặc biệt là các điểm di tích trọng yếu trên địa bàn, đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng các chương trình quảng bá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị di sản trong tình hình dịch bệnh...
 
Trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, với nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày một hoàn thiện: 28/30 quận, huyện, thị xã đã có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 136/579 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 4.236/5.403 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt...
 
Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các Quy tắc ứng xử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, những chuẩn mực văn hóa mới đã và đang hình thành, giúp bồi đắp môi trường văn hóa giàu nội lực của Thủ đô, đồng thời, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 
Sự nghiệp thể thao ghi dấu ấn với thể thao thành tích cao đạt 679 huy chương; trong đó, có 250 Huy chương Vàng, 198 Huy chương Bạc, 229 Huy chương Đồng tại các giải thể thao trong nước; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng tại các giải thể thao quốc tế. Thể thao quần chúng hoàn thành mọi chỉ tiêu đề ra. Nghệ thuật Thủ đô khẳng định được đẳng cấp, vị thế đứng đầu khi tham gia các liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Các hoạt động: Thư viện; văn hóa quần chúng; giảng dạy học sinh năng khiếu thể dục thể thao; tuyên truyền, cổ động trực quan thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra…
 
Tạo môi trường cho công nghiệp văn hóa
 
Văn Miếu-Quốc Tử Giám sử dụng công nghệ 3D Mapping đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị di sản trong tình hình dịch bệnh
 
Năm vừa qua, sự nghiệp văn hóa và thể thao tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" và Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là "kim chỉ Nam" đối với sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao Thủ đô, từ đó, có những bước triển khai chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, vừa phù hợp tình hình thực tiễn xã hội, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động.
 
Có thể thấy, công nghiệp văn hóa đã đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, quảng bá hình ảnh Hà Nội. Nhiều sự kiện, hoạt động công nghiệp văn hóa đã có tiếng vang trong nước và quốc tế như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại... Thành phố có gần 200 không gian sáng tạo, là môi trường cho nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển. Khối nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động... 
 
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Lê Thị Minh Lý nhận định: Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là vốn di sản văn hóa giàu có và đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thủ đô đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa-tiềm năng của công nghiệp văn hóa.
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Hà Nội sẽ lựa chọn đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm. 6 lĩnh vực thành phố ưu tiên gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp từ 4 đến 5% GRDP. Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu trên là phù hợp và có tính khả thi.
 
Một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đã qua đi. Bằng những kịch bản cụ thể ứng phó với Covid-19 trong từng giai đoạn, tập trung thực hiện những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, Thành phố quyết tâm đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t