Một năm vượt khó của ngành Công thương Thủ đô (09:31 04/02/2022)


HNP - Năm 2021, Thành phố nói chung và ngành Công Thương nói riêng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nỗ lực vượt qua những khó khăn, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực tham mưu, tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực Công Thương, tìm nhiều giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt danh hiệu Top 1 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích


Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả
 
Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn thành phố, Sở Công thương đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng chống dịch; kịp thời ban hành hơn 200 văn bản hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, bảo đảm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả”. Triển khai tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, lưu thông và nhiều phương án đảm bảo dự trữ (tổng trị giá 194.000 tỷ đồng) và cung ứng đầy đủ hàng hoá đa dạng phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trong mọi tình huống và trong các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn. Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng trên địa bàn Thành phố. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao danh hiệu Sản phẩm Công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021 cho các Doanh nghiệp
 
Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 lĩnh vực Công Thương; chỉ đạo các Tổ công tác của Sở duy trì có hiệu quả hoạt động, thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ, các hệ thống phân phối trên địa bàn…. Xây dựng và tổ chức triển khai 02 phương án về đảm bảo nguồn cung ứng hóa, tổ chức điều phối, cân đối hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thành phố và các khu vực bị cách ly cho phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Công khai danh sách 473 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 9.479 điểm bán hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp và gần 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa đảm bảo công tác phòng chống dịch. 
 
Bên cạnh đó, Sở đã chủ động phối hợp với Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động đăng ký luồng xanh, cấp mã QR Code cho 2.192 xe ô tô, 10.157 xe máy vận chuyển cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… phục vụ nhu cầu nhân dân và công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tiêu thụ 300.000 tấn hàng hóa sản phẩm nông sản thực phẩm, trái cây cho các huyện của Thành phố và 26 tỉnh thành phố trong nước bị tồn đọng. Đẩy mạnh công tác phát triển thương mại điện tử; rà soát 2.500 điểm chuẩn bị sẵn sàng cho bán hành lưu động khi các doanh nghiệp hệ thống phân phối bị đóng cửa; 500 xe tải, bán tải các loại để sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách. Phối hợp với Câu lạc bộ Sao đỏ, Đoàn Thanh niên Thành phố triển khai 21 “Siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19 với tổng trị giá gần 9 tỷ đồng.....
 
Đẩy mạnh nhiều giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế
 
Nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Công Thương đã chủ động, linh hoạt tổ chức các giải pháp, sự kiện để phục hồi và phát triển kinh tế giúp Thành phố tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021. Trong đó, đã tổ chức triển khai Kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; Chương trình khuyến mại tập trung Quốc gia và Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Kế hoạch triển khai Đề án huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024; Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương; Kế hoạch xúc tiến thương mại thành phố Hà Nội... Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng và xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử trên các sàn TMĐT (Sen đỏ, Tiki, Lazada, Amazon….)…
 
Các sự kiện được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như: Lễ kích hoạt Sự kiện Ngày không dùng tiền mặt năm 2021; Lễ tôn vinh 150 doanh nghiệp hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội 2021 (tháng 4, 7, 11, 12 với 15.000 chương trình khuyến mại của các DN từ 5%-100%); tổ chức phát động chuỗi sự kiện kích cầu “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight sale” thu hút sự tham gia của 200 điểm kinh doanh thương mại và sàn thương mại điện tử, được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm, doanh thu bình quân của các hệ thống tăng từ 130%- 230%; Các sàn thương mại điện tử đã có trên 10.000 triệu lượt truy cập, doanh thu tăng, đơn hàng tăng 300%; Sự kiện “Online xuống phố - kết nối cung cầu”; Tuần hàng sản phẩm OCOP Quảng Ninh và trái cây, nông sản tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố; Tổ chức Khai trương từ 10-15 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.... 
 
Các sự kiện đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm góp phần tăng doanh thu của các doanh nghiệp, tăng chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố từ âm trong quý III lên mức tăng trưởng cao trong quý IV góp phần đóng góp cho tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước (quý III giảm 4,4%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý IV tăng 81,1% so với quý III (quý III giảm 37,5%) và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý IV tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước (quý III giảm 19,5%)...
 
Đảm bảo lưu thông hàng hóa trong bối cách dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp
 
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan, năm 2022, kinh tế thế giới sẽ còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, người lao động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
 
Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2022, Sở Công Thương dự kiến một số chỉ tiêu tăng trưởng ngành Công Thương năm 2022: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,3-7,8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 5,0%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu tăng khoảng 8-9%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng Đối với cụm công nghiệp xây dựng mới 100%, Đối với cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động 95%.
 
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cắt băng khai trương điểm bán hàng OCOP tại quận Đống Đa
 
Để thực hiện các mục tiêu đó, Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất công nghiệp, thương mại gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Một trong những nhiệm vụ trong tâm hàng đầu là tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo tốt lưu thông hàng hóa, đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân; chủ động nguồn cung, xây dựng đầy đủ các phương án phòng, chống dịch trong sản xuất-kinh doanh, đảm bảo các nhà máy sản xuất, các hệ thống phân phối hoạt động thường xuyên không bị đứt gãy, ngừng hoạt động...
 
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND Thành phố phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố và vùng; tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025; nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục nắm bắt và tham mưu Bộ Công Thương, UBND TP tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao vai trò của các Hội, Hiệp hội là cầu nối giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước...

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t