Hà Nội nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch (09:32 12/07/2017)


HNP - Thành phố Hà Nội hiện có 84/113 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động ổn định, cung cấp nước đạt quy chuẩn cho hơn 300.000 người dân. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch đạt 39%. Tuy nhiên, kết quả này so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước còn khá khiêm tốn.

Vận hành hệ thống cấp nước tại Trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ


Hệ thống nước sạch của khu vực nông thôn hiện có 113 công trình cấp nước tập trung từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135… Trong đó có 84 công trình hoạt động ổn định (4 công trình chuyển thành trạm bơm tăng áp). 26 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động; 3 công trình đã được thanh lý trung chuyển… Một số xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Oai, Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì… được cung cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố.

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý vận hành các trạm, hệ cấp nước, thành phố cũng tích cực tuyên truyền nhằm giúp nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban ngành và các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cấp huyện, xã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông. 
 
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khu vực của thành phố vẫn đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Như đối với khu vực phía bắc gồm các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, khu vực này với dân số khoảng 1,2 triệu người khu vực nhưng mới có 40/90 xã thị trấn đã có hệ thống cấp nước, đạt tỷ lệ 39%. Hiện tại nguồn cung cấp nước sạch cho khu vực này được lấy từ Nhà máy nước Gia Lâm có công suất khoảng 60.000 m3/ngày đêm. 
 
Với nhu cầu ngày càng cao ở khu vực Mê Linh, Đông Anh và Gia Lâm, thành phố đang nghiên cứu nâng cấp nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì hiện có công suất khoảng 60.000m3/ngày đêm và sẽ nâng lên 150.000 m3/ngày đêm. Một số trạm cấp nước như: trạm cấp nước Yên Viên, Đông Anh…theo Quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội, các khu vực nằm trong phạm vi cấp nước đô thị gồm các xã thuộc huyện Đông Anh, Gia Lâm, một phần huyện Sóc Sơn sử dụng nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đuống. 
 
Đối với các huyện khu vực phía tây nam, gồm các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Hiện nay mới chỉ có 16/105 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch từ các trạm cấp nước cục bộ, công suất thấp với số dân được cung cấp nước khoảng 265.558 người, đạt tỷ lệ 28,5%. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, định hướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước thì khu vực này sẽ được cấp nước sạch từ nguồn nhà máy nước sông Đà, Nhà nước mặt Chương Mỹ - Xuân Mai với công suất (300.000 m3), nhà máy nước Quan Sơn công suất 20.000m3 và các trạm cấp nước cục bộ.
 
Hiện nay, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án cấp nước đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư trong khu vực bao gồm 3 dự án cấp nước cho 5 xã, thị trấn thuộc huyện Ứng Hoà và huyện Thanh Oai, với quy mô dân số khoảng 24.800 người, dự tính hoàn thành năm 2017-2018. 
 
Thành phố đang giao cho các đơn vị là Công ty nước sạch Hà Đông nghiên cứu đề xuất tại 14 xã khu vực huyện Thanh Oai sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Đà, nghiên cứu đề xuất dự án nhà máy nước mặt Quan Sơn và hệ thống mạng cấp nước khu vực huyện Mỹ Đức sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước mặt Quan Sơn. Hoàn thành chuẩn bị đầu tư trong 2017, khởi công quý I/2018.
 
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc đẩy nhanh cung cấp nước và bảo đảm đủ nước sạch cho người dân cả khu vực nội thành và ngoại thành được xem là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt thành phố sẽ phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch.
 
Theo lãnh đạo thành phố, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 4,33 triệu người ở khu vực nông thôn, Thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn thay vì sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư như trước đây. Đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư trong lĩnh vực này. Tính đến nay, Thành phố đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án nước sạch với tổng mức đầu tư hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016, sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch. 
 
Theo cơ chế chính sách về hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, ngoài các ưu đãi về đất đai, thuế, vốn… theo các quy định hiện hành, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi (nhà đầu tư liên hệ với Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng). Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư nước sạch trên địa bàn việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế. Thành phố cũng sẽ tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định các dự án về nước sạch nông thôn.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t