Thu hút nguồn đầu tư trang thiết bị y tế (05:44 05/05/2017)


HNP - Trong những năm qua, các cơ sở y tế TP Hà Nội đang vận dụng nhiều nguồn lực tập trung đầu tư trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, khó nhất đối với các bệnh viện là thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa. Do đó, cần có định hướng đầu tư phù hợp và hiệu quả trong thời gian tới đây.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được trang bị thêm 3 máy chạy thận nhân tạo trong giai đoạn 2011 - 2016


Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố hiện có 41 bệnh viện công lập, trong đó, có 28 bệnh viện cấp Thành phố và 13 bệnh viện cấp huyện. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện công lập trên địa bàn là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản 271,077 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Thành phố là 607,831 tỷ đồng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội đã thực hiện đúng các quy định hiện hành, đạt hiệu quả sử dụng ngân sách, quản lý và khai thác sử dụng các trang thiết bị y tế đã mua sắm tại các cơ sở y tế. Cơ bản các trang thiết bị y tế đều phát huy được hiệu quả, nhất là trang thiết bị tại các bệnh viện Thành phố.
 
Trang thiết bị y tế được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí như: ngân sách nhà nước, phát triển sự nghiệp, xã hội hóa, tài trợ. Trong số đó, phần lớn vẫn là từ nguồn kinh phí ngân sách của Thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, hiện tại, chỉ có bệnh viện hạng 1 mới dễ thu hút nguồn lực đầu tư, bởi đông bệnh nhân, nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh. Ngược lại, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 rất khó kêu gọi xã hội hóa vì doanh nghiệp khảo sát thấy số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ít, khó có lợi nhuận nên từ chối. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2016, toàn ngành đã thu hút được 43 đề án xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế tại 17 bệnh viện với tổng mức kinh phí là 261,571 tỷ đồng.
 
Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ là một trong số những bệnh viện hạng III đang gặp phải khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa. Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ cho biết: do ít bệnh nhân, nên giai đoạn 2011-2016, bệnh viện không thu hút được nguồn vốn xã hội hóa mà chỉ tiếp nhận các thiết bị từ nguồn vốn nhà nước đầu tư trị giá hơn 23 tỷ đồng và đầu tư mua thiết bị từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị trị giá gần 2 tỷ đồng. Cũng do thiết bị y tế thiếu, trong khi số người đến khám bệnh ngày một tăng, nên bệnh nhân thường phải chờ đợi xét nghiệm, chẩn đoán lâu. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Phúc Thọ hiện chỉ có một cán bộ kỹ thuật trình độ cao đẳng nên cũng gặp vướng mắc trong quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế.
 
Mặc dù là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội - là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo 1 phần chi phí hoạt động thường xuyên, nhưng từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mới thu hút được 7,2 tỷ đồng, còn lại thành phố vẫn phải đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến: nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao nhưng trang thiết bị của bệnh viện vẫn chưa đầy đủ. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông còn phải chịu sự cạnh tranh của các bệnh viện lân cận (Bệnh viện Quân y 103 và một số bệnh viện tư…); thiếu cán bộ kỹ thuật sử dụng thiết bị, dẫn đến việc thu dung bệnh nhân chưa đông. 
 
Với nguồn kinh phí tài trợ 31,381 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 2,623 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hiện đang là một trong những bệnh viện thu hút được nguồn vốn xã hội hóa lớn của Thành phố. Song, so với vị trí là một bệnh viện hạng I trực thuộc Thành phố thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn khẳng định, thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để có nguồn đầu tư trang thiết bị nhằm phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
 
Trong đợt giám sát của HĐND về công tác mua sắm, quản lý sử dụng trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập vừa qua, các đại biểu đoàn giám sát HĐND đánh giá cao Sở Y tế trong vai trò tham mưu cho Thành phố. Đại biểu đoàn HĐND TP cho rằng, để thu hút nguồn đầu tư ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, Sở Y tế cần có sự định hướng cho các bệnh viện công lập. Xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị y tế phải thực hiện trong dài hạn, tiến tới tự chủ, tránh lãng phí trong đầu tư. Kêu gọi nguồn xã hội hóa theo thế mạnh của từng bệnh viện, tránh đại trà, đầu tư thiết bị giống nhau. Mặt khác, các bệnh viện cũng có thể chủ động vay ngân hàng và trả lãi suất theo quy định…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t