Tiếp tục đổi mới, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác tư pháp (16:41 06/01/2023)


HNP - Ngày 6/1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023. Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Quang cảnh hội nghị


Báo cáo tại hội nghị cho thấy, công tác tư pháp năm 2022 đã được Thành phố triển khai đồng bộ, bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp, bảo đảm toàn diện, đúng trọng tâm và thu được những kết quả tích cực. Đáng chú ý, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thực hiện tốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Thành phố. Trong đó, HĐND Thành phố đã ban hành 20 nghị quyết quy phạm pháp luật; UBND Thành phố ban hành 45 quyết định quy phạm pháp luật; Sở Tư pháp Hà Nội nghiên cứu, tổ chức góp ý, thẩm định hơn 300 văn bản do các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố lấy ý kiến.
 
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cùng với tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Thành phố đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với trên 12.000 người tham dự. Tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về cư trú và các văn bản liên quan cho 1.200 báo cáo viên. Năm qua, toàn Thành phố có 2.941/4.925 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, tăng 119 tổ hòa giải so với năm 2021; tỷ lệ hòa giải thành 10 tháng đầu năm 2022 là 3.186/3.726 vụ, đạt tỷ lệ 85%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 là 2.483/2.911 vụ).
 
Cũng trong năm 2022, đã có 19/34 sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị của Thành phố tổ chức tự đánh giá, chấm điểm đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, 18/19 sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị xếp loại xuất sắc, 1/19 đơn vị của Thành phố xếp loại Tốt; đã có 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức tự đánh giá, chấm điểm đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó 29/30 quận, huyện, thị xã xếp loại xuất sắc, 1/30 quận, huyện, thị xã xếp loại Tốt (huyện Ứng Hòa).
 
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 3 dịch vụ công trực tuyến (Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử) trên dịch vụ công Thành phố. Phê duyệt phương án phân cấp thủ tục hành chính với tỷ lệ đáp ứng trên 48% tổng số thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp…
 
Phát huy kết quả đạt được, Thành phố đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2023. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt, kịp thời công tác góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức, phát huy mô hình hiệu quả, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; công tác bổ trợ tư pháp; thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
 
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả công tác tư pháp năm 2022 của Thành phố. Về nhiệm vụ tư pháp năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy Hà Nội, trong đó, chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố và chủ đề công tác năm: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của Thành phố.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố lưu ý, trong quá trình triển khai phải bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và các văn bản của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Bảo đảm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác tư pháp từ Thành phố đến cơ sở. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong giải quyết yêu cầu của người dân; đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp…

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t