HĐND Thành phố chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất (18:58 07/07/2022)


HNP - Chiều 7/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu tiếp tục chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý của Thành phố. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn bất cập, lãng phí, cần phải chấn chỉnh, khắc phục, tránh thất thoát ngân sách.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn


Quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành
 
Theo báo cáo bằng hình ảnh của Thường trực HĐND Thành phố tại phiên chất vấn, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng, nhưng việc theo dõi, ghi sổ địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, địa điểm chưa ký hợp đồng không đầy đủ, không cập nhật kịp thời biến động.
 
Trong 803 nhà chuyên dùng, có 357 địa điểm vi phạm, điển hình như cho thuê lại, liên doanh liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Mặc dù quỹ nhà chuyên dùng đều có vị trí đẹp, song còn tới 66 điểm đang để trống, chưa được khai thác, sử dụng. Hiện nay, Thành phố vẫn chưa ban hành giá mới cho thuê nhà chuyên dùng, mà sử dụng giá đã ban hành từ cuối năm 2012.
 
Trong khi đó, tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng 1 thành phố đang quản lý là hơn 85 nghìn mét vuông. Trong số này, có gần 50 nghìn mét vuông diện tích kinh doanh dịch vụ đã cho thuê; hơn 35 nghìn mét vuông còn trống chưa bố trí thuê sử dụng, hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỷ lệ 41%. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 94 dự án phát triển nhà ở và đô thị có quỹ đất phải bàn giao thành phố, với 149 lô đất, tổng diện tích hơn 936 nghìn mét vuông.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Đức chất vấn
 
Đặt câu hỏi chất vấn, các đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ đại biểu quận Thanh Xuân), Đàm Văn Huân (tổ đại biểu huyện Gia Lâm), Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) nêu: những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan nhà nước của Thành phố và bao giờ vi phạm được xử lý? Hiện, số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng khoảng 1.200 tỷ đồng, xu hướng tăng trong những năm gần đây, chưa thu hồi được, đề nghị Sở Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị cũng như giải pháp, tiến độ thu hồi. Bên cạnh đó, quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm chưa được thay đổi, lý do tại sao?.
 
Đẩy nhanh việc thu hồi nợ tiền thuê nhà
 
Trả lời chất vấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đơn vị quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng. Sau khi thực hiện thông báo của thành phố gia hạn hoạt động thuê nhà đến hết năm 2018 đã xảy ra một số vướng mắc. Trong đó, có vướng mắc từ việc thực hiện Luật Quản lý tài sản công.
 
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý, nguyên nhân chủ yếu là qua sử dụng nhiều thời kỳ đã bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích… Trong đó, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.
 
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính, Sở báo cáo UBND Thành phố để làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này” - ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
 
Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn
 
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề về thu nợ. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ, Sở đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phân loại và thu nợ. Thời gian tới, Sở sẽ cùng công ty phân loại sơ bộ, đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương, Sở sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi; đối với tổ chức, cá nhân, sẽ phân loại, có biện pháp tuyên truyền, vận động. Việc này sẽ được tập trung làm rõ trong quý III/2022 để sớm có kế hoạch thu hồi; trường hợp cần thiết sẽ đề xuất Thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
 
Đối với 300 quỹ nhà chuyên dùng chưa có phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, chủ quản lý quỹ nhà có trách nhiệm kê khai. Với nội dung này, Sở đã tổng hợp và đề xuất Bộ Tài chính để sắp xếp phương án xử lý và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện.
 
Đảm bảo hiệu quả quản lý, khai thác quỹ nhà, tài sản nhà nước hiệu quả?
 
Tiếp tục tranh luận tại hội trường về vấn đề quản lý nhà chuyên dùng, đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ đại biểu huyện Đông Anh) nêu, còn 800 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng từ lâu chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Vậy, từ lúc hết hợp đồng đến nay, việc thu tiền những trường hợp này xác định thế nào? Các đại biểu cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm rõ biện pháp xử lý trong thời gian tới.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Thanh Xuân) đề nghị UBND thành phố xem xét lại công tác tổ chức, mô hình hoạt động của công ty quản lý nhà của thành phố, có đủ năng lực khai thác khối tài sản công rất lớn hay không?
 
Đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn
 
Trong khi đó, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, nội dung trả lời chất vấn chưa thỏa đáng, chưa chỉ rõ trách nhiệm. “Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm, nhưng phần trả lời của hai lãnh đạo đại diện cho hai cơ quan quản lý nhà nước không rõ trách nhiệm, lộ trình và giải pháp xử lý ”, đại biểu Vũ Ngọc Anh nói.
 
Rà soát, kiện toàn bộ máy Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội
 
Trả lời chất vấn về công tác tổ chức, mô hình hoạt động của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, Công ty được chuyển đổi từ Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội theo quyết định ngày 26/11/2009 của UBND Thành phố. Mô hình tổ chức của Công ty, tính đến năm 2018, có 8 phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ, 12 đơn vị, xí nghiệp trực thuộc với hơn 1.500 cán bộ công nhân viên.
 
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn
 
Trong quá trình hoạt động, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp TP Hà Nội đã rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án sáp nhập Công ty THHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà thuộc Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. UBND Thành phố đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất năm 2018, năm 2019 báo cáo Thường trực Thành ủy xin chủ trương. Sau khi có chủ trương, tiến hành các quy trình, thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Trong quá trình thực hiện, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì lấy ý kiến các bộ ngành; qua ý kiến của các bộ ngành, Thành phố thấy cần phải nghiên cứu lại phương án sắp xếp này vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ để rà soát lại đề xuất phương án báo cáo Thành phố.
 
“Vì có chủ trương sắp xếp như vậy nên việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo công ty chưa kịp thời. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, trong thời gian nghiên cứu, sắp xếp, tổ chức mô hình hoạt động Công ty hiệu quả, Thành phố đã chỉ đạo trước mắt kiện toàn các chức danh lãnh đạo Công ty để thực hiện các nhiệm vụ. Vì vậy, cuối năm 2021, Sở Nội vụ đã tham mưu Thành phố kiện toàn chức danh Chủ tịch Công ty, hiện nay đã hướng dẫn quy trình các bước để xây dựng kế hoạch kiện toàn bộ máy lãnh đạo” - Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà thông tin.
 
Công khai đơn vị nợ tiền thuê nhà
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức về vấn đề đòi nợ tiền thuê nhà, đất, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi thuê nhà phải chịu trách nhiệm với nghĩa vụ tài chính. Đối với các trường hợp này, trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Tài chính và đơn vị quản lý nhà. Đối với Sở Tài chính, Sở nhận nhận trách nhiệm do chưa kịp thời đôn đốc, giám sát việc chi trả tiền thuê của các tổ chức, cá nhân.
 
Về lộ trình thu hồi nợ, đây là một vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Đơn cử như trụ sở của công ty chiếu phim, các điểm được thuê có mặt bằng rộng, tiền thuê lớn… nhưng trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, đơn vị không hoạt động được nhưng vẫn phải đóng tiền thuê. Đây là một trong nhưng lý do đơn vị này nợ đến 67 tỷ đồng. Đối với các trường hợp nợ, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, đơn vị sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ, nếu không có khả năng chi trả, đơn vị sẽ áp dụng các quy định để xử lý theo quy định.
 
Đề cập đến đề cập của đại biểu Nguyễn Minh Đức về việc công khai những đơn vị nợ tiền thuê nhà, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu đồng tình với quan điểm trên và cho biết sẽ yêu cầu Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cung cấp thông tin và đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được.
 
Chưa có định mức, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà chuyên dùng?
 
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức (tổ đại biểu huyện Thạch Thất) cho biết: hiện nay, quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố còn để trống, không sử dụng. Điều này gây lãng phí tài sản Nhà nước và hiện Thành phố chưa có định mức, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà chuyên dùng. Đại biểu đề nghị Thành phố làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp xử lý, khắc phục các tồn tại?
 
Đại biểu Nguyễn Minh Hưng (tổ đại biểu huyện Ba Vì) chất vấn, trong tổng 803 nhà chuyên dùng được rà soát, tổng hợp có tới 357 địa điểm đã được nhận diện vi phạm liên quan công tác quản lý, sử dụng chưa đúng mục đích, xây dựng không phép, sai phép… Những vi phạm này đã diễn ra trong thời gian dài. Đại biểu đề nghị Sở Xây dựng cho biết Sở đã thực hiện thanh tra, giải quyết các vi phạm này như thế nào; giải pháp và kết quả xử lý trong thời gian tới? Ngoài trách nhiệm của Sở Xây dựng có trách nhiệm của các đơn vị nào để xử lý và xử lý dứt điểm các vi phạm đã nêu?
 
Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên), qua giám sát của HĐND Thành phố cho thấy, trong số 357/803 điểm nhà chuyên dùng vi phạm có nhiều vi phạm liên quan TTXD như: xây mới trên đất quỹ nhà chuyên dùng; cơi nới thêm diện tích; nhiều vi phạm lập biên bản xử lý nhưng đến nay vẫn tồn tại… Đề nghị, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm trong xử lý các vi phạm trên? 
 
Đại biểu Duy Hoàng Dương ( tổ đại biểu huyện Hoài Đức), trong báo cáo giám sát thể hiện rõ nội dung UBND Thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện, trong đó, đã làm rõ một số hạn chế. Tuy nhiên, qua giám sát, giải trình cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện còn yếu. Đại biểu đề nghị Thành phố làm rõ một số nội dung: Trách nhiệm UBND Thành phố như thế nào trong việc xử lý, chỉ đạo các vướng mắc; trong việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo quản lý nhà chuyên dùng cũng như chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giải quyết các kết luận thanh tra; UBND Thành phố làm rõ các giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục hạn chế trong thời gian tới?
 
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng
 
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, công tác xây dựng định mức chi phí quản lý, sửa chữa bảo trì các nhà chuyên dùng được thực hiện theo định mức Bộ Xây dựng ban hành. Riêng về xây dựng định mức chi phí quản lý vận hành, Sở đã ký hợp đồng với Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, chi phí này cũng rất đa dạng. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng định mức này.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn
 
Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Năm 2019, có 801 điểm có hợp đồng và thực hiện quản lý thu tiền thuê theo đúng quy định; có 468 điểm vi phạm. Đến nay, số các công trình có vi phạm còn 357 điểm; số các địa điểm được thu tiền là 376 điểm; tức là số công trình đã được đưa vào quản lý đã nhiều hơn. Đây là tác dụng của Thành phố thực hiện thanh kiểm tra và xử lý vi phạm ở Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Để triển khai khắc phục những tồn tại hạn chế ở 357 điểm này, Sở xây dựng kế hoạch để khắc phục hạn chế.
 
Để giải quyết triệt để, theo Giám đốc Sở Xây dựng, phải rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà đối với 801 địa điểm này để lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp. Đồng thời, xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của công ty, từ đó phải xác định lại mô hình của công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý… Bên cạnh đó, phải thực hiện rà soát có lộ trình và xây dựng cơ sở dữ liệu. Đối với 357 trường hợp vi phạm có nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận huyện để xử lý đúng theo quy định.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải tiếp thu, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu
 
Tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu về công tác quản lý nhà chuyên dùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Thành phố mong muốn được giám sát, để nhận thức ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra được các giải pháp khắc phục. Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, trải qua 2 thời kỳ chính sách, Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008, Luật Quản lý tài sản công 2017. Mức độ bao phủ luật quản lý tài sản công rộng khắp, có nhiều nội dung vướng mắc trong khi triển khai, nên khi có chính sách năm 2017, cơ bản quy định pháp luật đã được ban hành đầy đủ.
 
Ngoài luật, Chính phủ ban hành thêm các nghị định, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị; phân công, phân nhiệm từng đơn vị… Các cơ quan tham mưu, tổng hợp đã giúp UBND các cấp thực hiện quyền hạn quản lý tài sản công. Nội dung quy định pháp luật quy định cụ thể, từ năm 2008 đến nay, UBND Thành phố căn cứ thẩm quyền, Sở Xây dựng, Tài chính đã tham mưu, ban hành đầy đủ chính sách…
 
Liên quan vướng mắc cơ chế quỹ nhà chuyên dùng mà Giám đốc các Sở đã nêu, UBND TP đã ban hành Quyết định 32 và Quyết định 38; trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở. Trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu, có các nhóm nguyên nhân cần phải xử lý. Liên quan gia hạn hợp đồng, vướng mắc khi Luật Quản lý tài sản công ra đời, quy định phải tổ chức đấu giá cho thuê, dẫn đến có vướng mắc về đấu giá. Các đơn vị thuê nhà nhiều năm phải tìm được nơi mới để chuyển đi. UBND Thành phố đã tổng hợp vướng mắc, báo cáo Chính phủ.
 
Đối với tất cả hợp đồng đã ký, kéo dài hợp đồng, khi có hướng dẫn cụ thể, sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Về công tác đấu giá cho thuê, đây là nội dung vướng mắc, bởi để tổ chức đấu giá được thì phải có mặt bằng sạch…
 
“Ngoài ra, UBND Thành phố sẽ giao cho các đơn vị xây dựng, thành lập Ban Chỉ đạo chung, xử lý các nội dung tồn tại, vướng mắc” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết.

Phạm Linh - Trọng Toàn - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t