Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2020):


Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội: Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang (15:13 12/03/2020)


HNP - Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi kết tinh truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nơi có phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ, chính là cơ sở để tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời sớm của các tổ chức cộng sản. Sự ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên - Chi bộ 5D Hàm Long, Hà Nội, là thắng lợi quan trọng của xu hướng tư tưởng vô sản trong phong trào dân tộc và trong nội bộ tổ chức thanh niên lúc đó.

Hà Nội - nơi thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam
 
Sau khi ra đời, Chi bộ 5D Hàm Long chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng, nhất là trong các xí nghiệp, để rèn luyện và phát triển đảng viên. Sự kiện Đại hội đại biểu Thanh niên toàn Bắc Kỳ lần thứ hai họp tại đồn điền Kim Đại, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), ngày 28 và 29/3/1929, thể hiện sự phát triển trong nhận thức của phong trào cách mạng ở Hà Nội. Đại biểu Hà Nội có hai đồng chí: Nguyễn Phong Sắc và Trần Tư Chính. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản, giao cho 4 đại biểu là Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân, có nhiệm vụ đấu tranh trước đại hội Thanh niên toàn quốc về việc thành lập Đảng Cộng sản.
 
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), khi kiến nghị của đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ về việc giải tán Hội để thành lập Đảng Cộng sản không được chấp nhận, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ đã rút khỏi Đại hội. Sau khi về nước, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã khẳng định có đủ những điều kiện để thành lập chính đảng cách mạng. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Tuyên ngôn Đông Dương Cộng sản Đảng nêu rõ: Thời kỳ đầu tiên của cách mạng ở Đông Dương là tư sản dân quyền cách mạng, giai cấp vô sản “thực hành công nông liên hiệp” để đánh đuổi đế quốc Pháp và lật đổ phong kiến địa chủ “thực hành thổ địa cách mệnh”. 
 
Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, ở trong nước đã xuất hiện thêm hai tổ chức cộng sản đó là: An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung kỳ. Đây là tiền đề quan trọng để dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là hai đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng tham dự Hội nghị thành lập Đảng.
 
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư. Tháng 6/1930, đồng chí Trần Văn Lan, ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở số nhà 177, phố Hàng Bông để tổ chức lại Thành ủy. Thành ủy Hà Nội được chính thức thành lập, gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng Hà Nội bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh chống đế quốc và phong kiến phản động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Hà Nội.
 
Trước tình hình chuyển biến mau lẹ của thế giới và trong nước, tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng (tại Pác Bó). Hội nghị Trung ương năm 1941 xác định hình thái khởi nghĩa ở Việt Nam, dự kiến tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng, từ đó, Hội nghị quyết định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện thời. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 5/1941, được phổ biến đến Hà Nội vào tháng 10/1941. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo xây dựng một vùng “an toàn khu” ở sát ngay Hà Nội. Vùng an toàn khu này gồm nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức, một phần Đan Phượng, Từ Liêm, Đông Anh, một số xã phía Nam của huyện Yên Lãng (Phúc Yên), một số xã của huyện Gia Lâm, Từ Sơn, Tiên Du (Bắc Ninh)...
 
Từ đầu năm 1943 đến ngày 9/3/1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển nhanh chóng. Ở Hà Nội, thời cơ của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân xuất hiện ngày càng chín muồi. Đêm 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính buộc Pháp phải đầu hàng. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hà Nội gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho “cao trào kháng Nhật, cứu nước” và chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 5 tháng (từ sau 9/3/1945 đến tháng 8/1945), phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội phát triển mạnh mẽ và có tính chất như một cuộc tập dượt, biểu dương lực lượng chính trị. 
 
Ngày 13/8/1945, theo chủ trương của Xứ ủy, một phái đoàn của Việt Minh do đồng chí Nguyễn Khang dẫn đầu đến gặp Khâm sai Bắc Kỳ để nắm tình hình. Đại diện chính quyền tay sai nói rõ ý muốn mời Việt Minh tham gia chính quyền lúc đó và xin ngừng vũ trang chống Nhật. Họ sẽ đứng ra điều đình để Nhật trao lại quyền độc lập và cả vũ khí. Đồng chí Nguyễn Khang đã bác ý kiến đó, tuyên bố rõ lập trường chống phát xít và đường lối của Đảng và Mặt trận.
 
Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng đã phát động và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành độc lập dân tộc, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai. Thời điểm này, Thành phố Hà Nội tuy chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, nhưng tối 15/8/1945, theo chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy triệu tập hội nghị tại Chùa Hà (Dịch Vọng) để rà soát lực lượng và bàn những công việc cấp bách cần làm nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 17/8/1945, ủy ban quân sự cách mạng cùng Thành ủy, Việt Minh Hà Nội đi tuyên truyền vận động hàng vạn quần chúng phá cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức, biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Tối ngày 17/8/1945, tại thôn Dịch Vọng Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Thành ủy và ủy ban khởi nghĩa họp Hội nghị mở rộng, quyết định: Thời cơ đã chín muồi, phải khởi nghĩa gấp.
 
Ngày 19/8/1945, 20 vạn nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội được huy động làm cuộc Tổng khởi nghĩa dưới hình thức biểu tình, tuần hành vũ trang. Quần chúng cách mạng đã giương cao cờ Việt Minh, vượt qua hàng rào sắt, xông vào chiếm Bắc Bộ phủ. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ và ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, phát đi lời tuyên bố chính quyền ở Hà Nội về tay Việt Minh.
 
Sau khi Hà Nội xác lập chính quyền cách mạng, ngày 21/8/1945, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng và đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Việt Bắc về đến Hà Nội. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản yêu nước đã nhường làm trụ sở cho chính phủ cách mạng lâm thời hoạt động trong những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngày 22/8, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp bàn những công tác lớn về đối nội, đối ngoại, trong đó, có việc chuẩn bị đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Chiều 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Tại đây, Người soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Sự kiện này đã minh chứng các tầng lớp nhân dân Hà Nội tin tưởng, một lòng một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng, ngay những ngày đầu gian khó.
 
Chiều 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới và toàn thể đồng bào Việt Nam: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong niềm vui của ngày trọng đại đó, có đóng góp to lớn và quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Từ đây, Đảng nắm chính quyền, lãnh đạo nhân dân cả nước tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô
 
Với tiềm năng và lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, hành chính của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, không ngừng nỗ lực và thu được nhiều thành tựu quan trọng.
 
Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, quân và dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu ngay ngày đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, biến mỗi ngôi nhà, đường phố Hà Nội là một pháo đài với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cuộc chiến đấu đó đã giam chân địch, để Trung ương Đảng và Chính phủ đủ thời gian rút lên Việt Bắc, bảo toàn lực lượng, tiếp tục xây dựng đầu não kháng chiến. Đó chính là tiền đề quan trọng dẫn đến chiến thắng lịch sử Điện Biện Phủ 1954 - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
 
Những năm sau giải phóng Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội là điểm sáng về kinh tế với việc phát triển hệ thống các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nặng, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam và cả nước trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Hà Nội là đầu tầu nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến cả trong thời bình, cả trong thời chiến.
 
Trong những ngày của tháng 12/1972 lịch sử, quân và dân Hà Nội tiếp tục làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ” trên bầu trời Thủ đô. Chiến thắng trên bầu trời Hà Nội năm 1972, được bạn bè quốc tế gọi là “chiến thắng của phẩm giá của lương tri con người”. Thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong đánh pháo đài bay B52 cùng với chiến thắng của cuộc phản công chiến lược Xuân Hè năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, quân đội Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam không điều kiện. Đó là tiền đề quan trọng dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Khi bước vào thời kỳ cả nước quá độ đi lên CNXH, từ một Thủ đô của một đất nước bị bao vây cấm vận, đến nay, Hà Nội đã vươn lên trở thành địa chỉ tin cậy, nơi luôn được cộng đồng quốc tế chọn tổ chức các sự kiện, hội nghị quan trọng mang tầm quốc tế, được thế giới thừa nhận là thành phố vì hòa bình.
 
Bước vào thực hiện đường lối mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, trước vô vàn khó khăn, thách thức phải giải quyết, Đảng bộ và Chính quyền Thủ đô đã vận dụng một cách sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa kinh tế - xã hội Thành phố phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành một trong hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước.
 
Trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định tập trung triển khai 3 khâu đột phá gồm: Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”.
 
Để đạt được mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến năm 2019, Hà Nội đã trở thành là một trong hai địa phương thu ngân sách nhiều nhất của cả nước. Thu nhập của người dân ngày một cao. Hà Nội còn là đô thị có hạ tầng giao thông phát triển nhất cả nước. Hệ thống giao thông phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại là điều kiện cần để kinh tế Thủ đô tiếp tục cất cánh bay cao, vươn tầm khu vực và thế giới.
 
Về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu tiên Hà Nội nằm trong top 10 tỉnh/thành phố có chỉ số PCI cao nhất. Hà Nội đã sớm hoàn thành mục tiêu về xếp hạng chỉ số PCI trước 2 năm theo kế hoạch; chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghiệp thông tin xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp; là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn. Hà Nội còn đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI) .
 
Một trong những thành tựu nổi bật của thành phố Hà Nội là chủ trương thu hút nhân tài - nhất là nhân tài chất lượng cao để xây dựng Thủ đô. Toàn Đảng bộ Thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ tiếp theo đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
 
Thành quả công tác xây dựng Đảng thể hiện rõ nét ở việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng; nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa XII.

PGS, TS. Trần Thị Thu Hương; ThS. Trần Hồng Quyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t