Phát hiện sớm, không để Hà Nội bất ngờ (13:26 18/12/2017)


HNP - Trong Chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972, Đại tá Nghiêm Đình Tích được giao nhiệm vụ thao tác ở vị trí đài trưởng ra đa dẫn đường P-35 - Đại đội 45 - Trung đoàn Ra đa 291 trực tiếp bảo đảm tình báo ra đa dẫn đường cho Sở chỉ huy. Khi nghe ông kể lại chúng tôi hiểu hơn về những đóng góp thầm lặng của bộ đội ra đa trong việc phát hiện, thông báo B- 52 từ xa, để Hà Nội không bị bất ngờ, lỡ thời cơ.

Đài radar P-35 huyền thoại đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không- Không quân


Mở đầu câu chuyện, Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại: “Trong Chiến dịch 12 ngày đêm, không quân Mỹ tăng cường tác chiến điện tử chưa từng có. Các loại máy bay trinh sát, gây nhiễu với hệ thống ra đa cảnh giới, dẫn đường không ngừng được cải tiến. Nếu như ở chiến tranh phá hoại lần thứ nhất cứ một tốp máy bay thì chỉ có 1 chiếc mang một máy phát nhiễu. Nhưng đến chiến tranh phá hoại lần thứ 2 thì cả tốp 4 chiếc đều mang máy phát nhiễu, mỗi chiếc có 2 máy, công suất lớn hơn trước, làm cho hầu hết các đơn vị ra đa đều không phát hiện được tín hiệu máy bay B52”.

Thời kỳ này, Trung đoàn Ra đa 291, được Bộ Tư lệnh Quân chủng phân công làm nhiệm vụ tại Quân khu 4 (Nghệ An), đảm bảo cảnh giới vừa tác chiến phòng không trong khu vực, phát hiện B52 từ xa cho Hà Nội và Hải Phòng. Trong đêm đầu chiến dịch (18/12/1972), ông cùng đồng đội sử dụng quy trình xử trí thao tác chống nhiễu để phát hiện B-52. Ông kể: “Tinh thần quyết thắng B-52 được thể hiện bằng những hành động chiến đấu dũng cảm, bám máy, bám trận địa của các trắc thủ ra đa. Đài ra đa P-35 khi đó có 6 máy thu sóng. Do địch gây nhiễu giải tần rộng, công suất lớn nên cả 6 máy thu đều bị nhiễu nặng, nếu để cả tín hiệu 6 máy bay thu vào màn hiện sóng sẽ không thể phát hiện được tín hiệu B-52. Vì vậy, khi trinh sát nhiễu trên 6 máy bay thu, thấy máy thu số 5 ở ăng- ten trên bị nhiễu nhẹ nhất, tôi quyết định sử dụng 1 máy thu này, đồng thời, không cho tín hiệu 5 máy thu còn lại vào màn hiện sóng, chúc ăng-ten xuống -7,5 độ và tập trung thao tác chống nhiễu tốt nhất. Lúc này các giải nhiễu B52 chỉ còn mờ nhạt, xuất hiện 3 chấm sáng là tín hiệu B52. Lập tức các trắc thủ kịp thời xác định và thông báo các tốp B52 ở phía Tây Nam Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An ở cự ly hơn 200km, báo động sớm cho Hà Nội 35 phút, tạo điều kiện cho các lực lượng Phòng không - Không quân chuyển cấp chiến đấu kịp thời, bắn rơi 3 chiếc B52 trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ”.

Đại tá Nghiêm Đình Tích

Ngoài kiến thức được học về nguyên lý điều khiển ra đa do các chuyên gia Liên Xô dạy từ năm 1968-1969, ông còn có kinh nghiệm chống nhiễu trong tác chiến phòng không năm 1967 và dẫn đường cho phi công Mic-21 máy bay ta bắn trúng B-52 ở phía Nam Quân khu 4, ngày 20/11/1971. Đồng thời, trực tiếp bảo đảm ra đa cho Trung đoàn Tên lửa 236 bắn rơi 1 chiếc B-52 trong trận đánh ngày 22/11/1972 ở biên giới Lào - Thái Lan. Chính vì thế, khi truy tìm B-52 tấn công Hà Nội, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu và trắc thủ số 2 Nguyễn Văn Xích đã nhanh chóng phát hiện và thao tác quy trình chống nhiễu B-52 một cách chuẩn xác. Các đêm sau, phiên ban Đài ra đa P-35 đều phát hiện tốt B-52, báo động sớm cho Hà Nội trên dưới 40 phút, tạo điều kiện cho toàn chiến dịch phòng không bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó, có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), buộc địch phải ngừng chiến dịch tập kích đường không chiến lược, ký kết hiệp định Pari về Việt Nam. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch này, Đại đội 45 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân; Đài trưởng ra đa Nghiêm Đình Tích được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Đại tá Nghiêm Đình Tích sinh năm 1946, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Năm 1964, cũng như hàng triệu thanh niên khác, chàng thanh niên quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” vừa tròn 18 tuổi đã xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Do phấn đấu, rèn luyện tốt, lại có bằng cấp 3, đầu năm 1965, ông được đơn vị cử đi học 5 tháng về ra đa dẫn đường tại Trường 300 - thị xã Sơn Tây. Tháng 8/1965, Đại đội Ra đa 45 được thành lập, ông được cấp trên điều động giữ cương vị Đài trưởng đến năm 1972. Quá trình công tác, ông còn giữ chức vụ Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 292 (1984-1988) và Trưởng bộ môn chiến thuật ra đa tại Trường Trung cao cấp Phòng không (1988-1990); Trưởng ban Tổng kết - lịch sử Quân chủng Phòng không, sau đó là trợ lý, Bí thư chi bộ Ban Tổng kết – Lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân, cùng với Ban làm nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn các đề tài khoa học về tổng kết chiến tranh và lịch sử của Quân chủng.

Dù ở vị trí nào, ông đều phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc phục khó khăn, vừa học, vừa làm và rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao chất lượng công tác. “Điều làm tôi tự hào nhất là được cùng với đồng đội bảo đảm ra đa kịp thời, hiệu quả tạo điều kiện cho các lực lượng Phòng không - Không quân, Dân quân tự vệ làm lên chiến thắng vẻ vang trên bầu trời Thủ đô Hà Nội năm 1972. 45 năm đã trôi qua nhưng đó là những tháng ngày đẹp trong cuộc đời quân ngũ mà bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc”. Đại tá Nghiêm Đình Tích xúc động nói.
Trong suốt cuộc đời quân ngũ, Đại tá Nghiêm Đình Tích có 9 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua (trong đó 6 lần cơ sở, 1 lần cấp trên cơ sở, 1 lần cấp Quân chủng, 1 lần cấp toàn quân); Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì; 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân Kỳ Quyết thắng, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học - công nghệ, huy hiệu 45 năm tuổi Đảng…


Hữu Thu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t