Ứng Hòa: Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới (10:51 02/09/2019)


HNP - Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 27/10/2016, của Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội” đã được huyện Ứng Hòa triển khai nghiêm túc. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, hiệu quả đạt được cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy và chính quyền từ huyện tới cơ sở trong công tác này.

Với hơn 10 nghìn cơ sở thực phẩm, trong thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã chú trọng tuyên truyền về ATTP cho các cơ sở này, đặc biệt tăng cường trong dịp phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP và đảm bảo ATTP Tết Trung thu hàng năm. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn như Trạm bảo vệ thực vật (BVTV), Trạm Thú y huyện thường xuyên tổ chức cấp phát các loại tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về các loại thuốc BVTV cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, giao nhân viên BVTV xã cấp cho các HTXNN và các của hàng bán thuốc BVTV trên địa bàn huyện. Phát tờ rơi quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên rau, quả,... Và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn IPM cho 60 hộ nông dân trong huyện; thường xuyên tuyên truyền các quy định của Nhà nước về sản xuất rau an toàn, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên cây rau, tuyên truyền về thu gom bao bì nhiễm thuốc BVTV; tuyên truyền, phát động phong trào “nói không với chất cấm" tới người chăn nuôi, kinh doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật và người dân hiểu đúng tác hại của chất cấm, chất tồn dư kháng sinh, chất tạo màu trong chăn nuôi.

Song song với công tác tuyên truyền, việc thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng được UBND huyện đặc biệt chú trọng và được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Hàng năm và trong các dịp trọng điểm về ATTP, UBND huyện Ứng Hòa đều thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra công tác quản lý chỉ đạo điều hành của BCĐ ATTP các xã, thị trấn và trực tiếp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện. Toàn huyện thường xuyên duy trì 31 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP bao gồm 02 đoàn của huyện và 29 đoàn của 29 xã, thị trấn trên địa bàn triển khai công tác kiểm tra đảm bảo ATTP,... Trong 03 năm qua, các đoàn liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra thực tế tại khoảng 640 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, số cơ sở đủ điều kiện là 542 cơ sở, đạt tỷ lệ 84,7%; số cơ sở vi phạm là 98 cơ sở (chiếm 15,3%).

Trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm ATTP. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm và giữ uy tín bảo đảm ATTP để phục vụ tốt đời sống của nhân dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức phù hợp với nội dung thiết thực, sinh động, dễ nhớ, dễ thực hiện. Phát động phong trào thi đua đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020; tập trung trong “Tháng hành động vì ATTP”, Đảm bảo ATTP Tết Trung thu, các ngày Lễ, Tết... hàng năm. Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thay đổi hành vi, thói quen, lối sống, sinh hoạt mất vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và vai trò, trách nhiệm quản lý về ATTP của chính quyền các cấp, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP, xác định việc đảm bảo ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm ATTP. Nhân rộng mô hình quản lý ATTP theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh sản phẩm an toàn. Quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào đối tượng sản xuất rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng, thí điểm, duy trì các mô hình ATTP, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị thuộc huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý về ATTP đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền. Tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATTP đối với từng công đoạn của “Chuỗi cung cấp thực phẩm”; đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành, xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan. Xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua đường thực phẩm,...


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t