Nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống (12:57 28/11/2018)


HNP - Là một trong 3 thôn của xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, thôn Yên Quán nổi tiếng trong vùng bởi có nghề mộc dân dụng và đục chạm gỗ cao cấp được UBND TP Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống của Hà Nội năm 2013. Từ khi nghề mộc phát triển mạnh, đời sống của nhân dân trong thôn ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm từ nghề mộc Yên Quán được phân phối tới khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ mộc Yên Quán


Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, cách đây hơn 70 năm, làng Yên Quán đã có nhóm thợ chuyên làm nhà ở, đồ dùng sinh hoạt bằng gỗ cho các hộ trong thôn và các làng khác trong khu vực. Các nhóm thợ này do các cụ cao niên truyền dạy. Trải qua bao đời, cha truyền, con nối, đã duy trì được nghề làm nhà gỗ và các đồ thờ, đồ sinh hoạt cao cấp bằng gỗ và phát triển thành những thợ có tay nghề cao đạt đến độ tinh xảo. Từ khi làng chỉ có một vài xưởng mộc làm nghề vào những năm đầu thập kỷ 1990, đến nay, cả thôn đã có 35 xưởng mộc, 210 hộ có người làm nghề mộc và hơn 400 lao động nghề. Thu nhập bình quân của lao động nghề từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Cả thôn có 4 người thợ được thành phố công nhận là Nghệ nhân Hà Nội.

Chia sẻ về các sản phẩm đồ mộc của làng nghề, ông Hoàng Doãn Hòa, Chủ tịch Hội làng nghề Yên Quán, nghệ nhân Hà Nội cho biết: “Thợ quê tôi chuyên dựng nhà theo lối cổ; phục chế Đình, Chùa nhà cổ bị hư hỏng; Đục trạm các đồ thờ như: Hoành phi, câu đối, án gian, tượng gỗ, cửa võng, ngai ỷ, ô sa; sản xuất đồ gỗ dân dụng như: làm cầu thang, khuôn cửa, cửa gỗ…cung cấp đồ gỗ trong các ngôi đình, chùa. Trong khoảng 10 năm gần đây, do được đầu tư máy móc thiết bị nên chất lượng sản phẩm làng nghề Yên Quán được nâng cao, mẫu mã đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã ký hợp đồng xuất khẩu nên sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết, công nhân luôn có việc làm ổn định. Tuy có các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ trong quá trình sản xuất nhưng để tạo được những sản phẩm có hoa văn, họa tiết sắc nét mang đặc trưng riêng của nghề mộc Yên Quán chúng tôi vẫn phải trực tiếp đục đẽo thủ công”.

Để cho ra đời một sản phẩm, người là thợ mộc Yên Quán phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ cưa, xẻ thành tấm đến đục, chạm tạo nên sản phẩm; qua một số công đoạn sấy, sơn.  Sản phẩm gỗ của Yên Quán ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường, bởi sản phẩm chất lượng và mẫu mã đa dạng. Điều đáng ghi nhận ở đây là mặc dù hệ thống xử lý môi trường chung chưa được quan tâm đầu tư hợp lý song UBND xã đã có các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường bước đầu, đó là: thành lập các tổ thu gom rác thải ở các khu dân cư về nơi tập chung, hợp đồng với công ty vệ sinh đô thị Xuân Mai, vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt, vật liệu thải của làng nghề đi xử lý tập trung. Chất thải rắn là mùn cưa, đầu gỗ thừa, phoi bào…đã được tận dụng làm chất đốt và thu gom để bán làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác. Ô nhiễm môi trường từ nghề mộc của làng Yên Quán chủ yếu do khói bụi khi cưa sẻ gỗ.

Tuy nhiên, do không có quy hoạch tổng thể về phát triển hạ tầng đồng bộ nên đường giao thông nông thôn ở xã Tân Phú khá chật hẹp, đi lại khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển sản phẩm của làng nghề. Bên cạnh đó, các hộ gia đình diện tích đất ở chật hẹp, không có địa điểm tập trung làm nghề nên các hộ phải tận dụng khoảng đất trống trong gia đình đang sinh sống để làm nghề nên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Ông Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Việc phát triển làng nghề từ lâu đã được xã xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài thôn Yên Quán được công nhận là làng nghề truyền thống thì tại các thôn khác của xã như: Hạ Hòa, Phú Hạ… cũng có nhiều gia đình đầu thư mở xưởng mộc. Năm 2018, xã phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Để phát triển làng nghề bền vững, chúng tôi rất mong lãnh đạo huyện và thành phố tiếp tục quan tâm mở lớp dạy nghề mộc ở Yên Quán; mở rộng thị trường, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu làng nghề; tạo điều kiện cho các chủ xưởng có khu sản xuất tập trung để kinh doanh, sản xuất, đảm bảo tốt vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe người dân.


Hữu Thu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t