Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động tại quận Hà Đông (14:27 19/10/2023)


HNP - Sáng 19/10, Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội giám sát tại UBND quận Hà Đông về việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc


Báo cáo với Đoàn giám sát, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Đỗ Minh Loan cho biết, Hà Đông là quận nội thành của Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị với tốc độ cao, kinh tế phát triển theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, việc thu hồi hầu hết diện tích đất nông nghiệp thực hiện các dự án phát triển đô thị đặt ra yêu cầu chuyển dịch phân công lao động và giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị, Quận ủy, HĐND và UBND quận xác định việc đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động, trong đó dạy nghề giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở và luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 
 
Trước khi làm việc với UBND quận, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế
 
Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND quận Hà Đông xây dựng Kế hoạch triển khai hằng năm nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động toàn diện. 
 
Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, năm 2020, toàn quận đã giải quyết việc làm 4.978/3.700 người đạt 134% chỉ tiêu được giao; năm 2021, giải quyết việc làm 4.802/4.000 người đạt 120% kế hoạch; năm 2022, giải quyết việc làm 4.500/4.200 người, đạt 112% chỉ tiêu giao; 9 tháng đầu năm 2023, giải quyết việc làm 4.176/4.100 người, đạt 101% chỉ tiêu được giao.
 
Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn được quan tâm. Đã cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế 11 hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù và người sau cai nghiện ma túy với số tiền 600 triệu đồng; hỗ trợ vùng sản xuất rau, cây ăn quả, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động.
 
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Hoàng Thị Tú Anh trao đổi tại buổi làm việc
 
Công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn quận đã 113 lao động đi xuất khẩu lao động; cho vay vốn giải quyết việc làm tính đến 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 370 tỷ đồng.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm được xác định là công tác thường xuyên, liên tục của quận: Đã kiểm tra 85 doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; xử lý nợ đóng BHXH tại 148 đơn vị, doanh nghiệp.
 
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả quận Hà Đông đã đạt được trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn quận thời gian qua. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và báo cáo của UBND quận, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
 
Phó Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Đoàn Việt Cường trao đổi tại buổi làm việc
 
Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động có lúc, có nơi chưa kịp thời. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động còn hạn chế; chưa thực sự chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động tại địa bàn quản lý.
 
Trong khi đó, sự phối kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, chính quyền cơ sở còn hạn chế, thiếu sự đồng bộ, chưa quyết liệt và dự báo nhu cầu lao động chưa sát với thực tế. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được quan tâm bổ sung hằng năm song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa triển khai thực hiện được ảnh hưởng đến chỉ tiêu lao động qua đào tạo hằng năm và việc hỗ trợ người lao động nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp. 
 
Công tác rà soát, thống kê thông tin thị trường lao động, đặc biệt là cầu lao động còn hạn chế về số lượng so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, đăng ký trên địa bàn. Việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động về vốn còn chưa tương xứng và chưa kịp thời. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chưa thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động, còn tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động...
 
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình kết luận buổi làm việc
 
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, thời gian qua quận Hà Đông đã chú trọng, quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách trong giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, quận đã triển khai nghiêm túc nghị quyết của HĐND Thành phố về tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người lao động với nhiều sáng kiến, mô hình hỗ trợ, qua đó giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động phù hợp với thực tế của quận, được người dân tin tưởng vào cơ chế chính sách của thành phố và quận. 
 
Đáng lưu ý, thông qua các nguồn vốn của Trung ương, Thành phố, quận Hà Đông cũng bố trí nguồn lực thích đáng để giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để giải quyết việc làm cho người lao động. 
 
Để tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này hiệu quả, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị UBND quận Hà Đông tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chính sách liên quan đến công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ, cơ chế thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tổng hợp, tạo hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về thị trường lao động, để người dân được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, từ đó nâng cao nhận thức về giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, quận cũng cần đánh giá, phân tích sâu để rà soát lại cơ chế chính sách đối với lao động việc làm, để từ đó đề xuất giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t