Phấn đấu 100% người hoàn thành các chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ quản lý (11:16 01/04/2024)


HNP – Ngày 29/3, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Theo Kế hoạch, nhằm kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.
 
Theo đó, 100% các xã, phường, thị trấn triển khai việc tiếp nhận đăng ký, hướng dẫn người cai nghiện ma túy tự nguyện, đảm bảo tất cả những người được xác định là người nghiện ma túy đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện đều được tham gia điều trị, cai nghiện đúng quy định.
 
100% người hoàn thành các chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ, đưa vào danh sách quản lý sau cai nghiện ma túy; phân công các tổ chức, cá nhân quản lý, giúp đỡ quản lý sau cai nghiện ma túy và theo dõi, đánh giá tỷ lệ tái sử dụng trái phép chất ma túy, tái nghiện ma túy.
 
Phấn đấu trên 80% người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú có hồ sơ quản lý trên địa bàn Thành phố được tiếp cận các dịch vụ: tư vấn, biện pháp can thiệp giảm hại, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
 
Các địa phương vận động 1.200 người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma túy thành lập cung cấp dịch vụ cai nghiện cắt cơn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cho 1.000 người tự nguyện đăng ký tham gia điều trị.
 
Lập 1.700 hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 
Mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn 01 mô hình hiệu quả đăng ký với Ban Chỉ đạo 89 Thành phố thực hiện trong năm 2024, đánh giá kết quả cuối năm, đề xuất, nhân rộng mô hình phù hợp.
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số giải pháp như: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Lựa chọn và kết hợp nhiều hình thức truyền thông thích hợp cho từng loại đối tượng, sát với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, phù hợp với đặc điểm riêng về kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của từng địa bàn dân cư.
 
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với những người có nguy cơ cao, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy ở cộng đồng, người đang cai nghiện ma tuý tại các cơ sở, đối tượng là học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong các doanh nghiệp. 
 
Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy.
 
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng.
 
UBND Thành phố yêu cầu việc tổ chức triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đảm bảo hiệu quả và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
 
Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện số hóa hồ sơ người cai nghiện và chuyển đổi số trong công tác quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” năm 2024 khối các cơ sở cai nghiện ma túy theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Kim Nhung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t