Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi nới lỏng (19:14 22/09/2021)


HNP - Sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, từ 6 giờ sáng, ngày 21/9, nhiều hoạt động, dịch vụ kinh doanh tại Hà Nội đã chính thức được phép hoạt động trở lại. Nhưng dù nới lỏng thì "Tuyệt đối không lơ là, chủ quan" vẫn luôn là cụm từ được lãnh đạo Thành phố thường xuyên nhắc tới.

Đường phố Hà Nội trong ngày đầu nới lỏng một số hoạt động


Chưa bao giờ người dân Thủ đô có một đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dài như thời gian vừa qua. Điều này đủ để nói lên tâm trạng háo hức, mong chờ của người dân khi Thành phố quyết định nới lỏng từ từ, nhiều hoạt động, dịch vụ kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại. Đây là việc làm cần thiết khi Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách xã hội mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để chúng ta bước vào giai đoạn bình thường mới đó chính là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, mục tiêu của thành phố đặt ra đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn từ 6h ngày 21/9, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô; tiếp tục kiểm soát tình hình trên địa bàn Thành phố trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường tại một số tỉnh, thành trong cả nước; phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng, đạt miễn dịch cộng đồng; điều chỉnh các biện pháp phù hợp, bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
 
Sau gần 2 tháng thực hiện nghiêm túc việc giãn các xã hội, từ 6 giờ sáng, ngày 21/9, nhiều hoạt động, dịch vụ kinh doanh tại Hà Nội được phép hoạt động trở lại. "Tuyệt đối không lơ là, chủ quan", vấn đề này được lãnh đạo thành phố thường xuyên nhắc đi nhắc lại tại các tại các cuộc họp giao ban với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trước khi thành phố có Chỉ thị 22/CT-UBND. Bởi chỉ cần lơ là, chủ quan thì tất cả nỗ lực và thành quả mà chúng ta đạt được sau gần 2 tháng giãn cách xã hội sẽ mất đi.
 
Theo Chỉ thị 22/CT-UBND đã được ban hành, nhiều hoạt động kinh doanh được phép hoạt động trở lại như: cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng... Cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; vật tư, vật liệu xây dựng; kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, cũng trong diện được hoạt động. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
 
Cửa hàng cắt tóc trên phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy tuân thủ nghiêm phòng, chống dịch khi trở lại hoạt động
 
Ngoài ra, Thành phố cho phép xe môtô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ chạy trở lại. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này chỉ bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, khai báo y tế hàng ngày. Thời gian hoạt động của xe môtô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa và xe tham gia ứng dụng công nghệ từ 9h đến 22h hàng ngày.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, nguyên tắc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 6h, ngày 21/9 là không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường; không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Thành phố phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức hậu kiểm và xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt tại các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố. Thành phố đề nghị mọi cá nhân, tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi Thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố lần này vẫn nhất quán trên tinh thần "không cầu toàn, có điều chỉnh linh hoạt" phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác phòng, chống dịch của Hà Nội phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chung của các tỉnh, Thành phố xung quanh và cả nước. Khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở trong Thành phố và từ các nguồn xâm nhập bên ngoài, mục tiêu của Thành phố là phải bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với Covid-19.
 
Hiện tại, Hà Nội chưa thể trở về trạng thái bình thường mới hoàn toàn, vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 mới đạt 12%, trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chí là hơn 70% dân số được tiêm mũi 1, và bằng hoặc hơn 20% dân số được tiêm mũi 2.
 
Để hướng tới mục tiêu đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Hà Nội sẽ tranh thủ đợt phòng, chống dịch từ 6h, ngày 21/9, khi được cấp đủ vắc xin, sẽ tiêm phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành vào đầu tháng 11, để khoảng giữa tháng 11, có thể bắt đầu cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học.
 
Mặc dù Thành phố đang dần nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, nhưng người dân Thủ đô tuyệt đối "không lơ là, chủ quan", tiếp tục ủng hộ thành phố bằng việc thực hiện nghiêm những yêu cầu trong Chỉ thị 22/CT-UBND, cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch. Mỗi người dân hãy là "pháo đài" vững chắc để bảo về sức khỏe của bản thân, của gia đình mình, từ đó, có sức khỏe để chung tay cùng xã hội đẩy lùi Covid-19.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t