Tạo dựng mỹ quan đô thị sạch, đẹp (12:55 07/06/2023)


HNP - Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31/5/2017, của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường. Qua đó, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị sạch, đẹp. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đã có cuộc trao đổi về kết quả này và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái


- Thưa ông, Thành phố đã triển khai những nhiệm vụ gì để có kết quả về công tác bảo vệ môi trường như ngày hôm nay?
 
- Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND Thành phố đã có Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3/7/2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đặt ra. Thành phố cũng tập trung nguồn lực đầu tư để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Vì vậy, những vấn đề bức xúc về môi trường xảy ra trên địa bàn Thành phố được giải quyết kịp thời. Tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện. Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được tăng cường. Ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
 
UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó, nổi bật là: Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 100%, tại các huyện khu vực ngoại thành đạt 95-100%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99%. Việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trên địa bàn Thành phố được khẩn trương thực hiện. Thành phố hoàn thành thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố...  
 
Công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường cũng đã được đẩy mạnh. Việc phát hiện và xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường của các cơ sở đã được thực hiện kịp thời, đủ sức răn đe; nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp đã được nâng cao.
 
Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy rằng, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã giúp Thành phố có những thay đổi lớn trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị ngày càng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.
 
- Trong nhiều hội nghị, ông đã từng nói rằng, có được kết quả như ngày hôm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị của Thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, góp phần thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường?
 
- Đúng vậy, phải khẳng định rằng, trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực. Các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đều xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để chủ động thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành phố giao. Đồng thời, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó, đã có 38 sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU nhằm quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tạo sự đồng thuận, quyết tâm về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đồng thời, thực hiện sơ kết, có báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (cơ quan Thường trực) để tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố.
 
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Hoài Đức trao tặng xe chở rác, thùng đựng rác cho xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 
Không chỉ có vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp, ngành, địa phương cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả cao. Đơn cử, quận Hai Bà Trưng xác định, công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận, phường đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của Thành phố. Trong công tác bảo vệ môi trường luôn có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa UBND các phường và phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc quận. Vì thế, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và đạt được những kết quả nhất định.
 
Huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy. Trong quá trình triển khai thực hiện, song song quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường…, huyện thường xuyên đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề để có biện pháp khắc phục, đồng thời, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại, góp phần cải thiện chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn.
 
- Từ kết quả đạt được, ông có thể khái quát những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy?
 
- Có 4 bài học kinh nghiệm được rút ra. Một là: Phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của nhân dân, đặc biệt là tinh thần nêu gương đi đầu và làm trước của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ môi trường. 
 
Hai là: Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, coi đây là niềm vui, là niềm tự hào của mỗi cá nhân khi được cống hiến công sức, trí tuệ góp làm cho môi trường sống của Thành phố Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. 
 
Ba là: Mỗi cấp, mỗi ngành cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhất là trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, phải xem xét thảo luận thấu đáo không chủ quan. 
 
Bốn là: Tăng cường thanh, kiểm tra, áp dụng mạnh các chế tài xử phạt vi phạm về môi trường theo quy định của pháp luật để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu và trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
 
- Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Thành phố sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?
 
- Nhìn lại chặng đường triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, trong đó, có việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm…
 
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU và các chương trình công tác số 03-CTr/TU, 04-CTr/TU và 05-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII)…, trong đó, giao các sở, ngành và UBND quận huyện thị xã triển khai quyết liệt hoàn thành mục tiêu hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa và 100% các hộ dân trên địa bàn Thành phố không sử dụng bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí theo nội dung Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 25/12/2019, và Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 18/9/2020, của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định…
 
Thành phố cũng tiến hành rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm, đôn đốc các sở, ngành, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường theo từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Nghiên cứu cơ chế ký quỹ đối với các dự án xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là ở các công trình xây dựng, các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
 
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng. Vì thế, tôi mong muốn người dân Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, đồng lòng, chung sức trong công cuộc bảo vệ môi trường; kiên quyết phê phán những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, không vì “lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư tốt hệ thống xử lý nước thải; không đổ chất thải nguy hại, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường cho Thành phố…
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t