Đối thoại, giao lưu về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động (20:37 22/03/2023)


HNP - Ngày 22/3, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động”.

Toàn cảnh buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến


Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn, nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan thiết thực tới người lao động. “Từ những lý do đó, Ban Tổ chức đã quyết định lựa chọn chủ đề của buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến lần này là “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ chính sách liên quan đến người lao động”. 
 
“Với chủ đề này, chúng tôi đã mời các chuyên gia là luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội - những nhà hoạch định và triển khai chính sách; rất am hiểu về pháp luật lao động, các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, nắm vững các kiến thức liên quan công tác tổ chức Đại hội Công đoàn để trả lời các câu hỏi của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động”, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
 
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho hay: Chương trình Đối thoại, giao lưu trực tuyến “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ chính sách liên quan đến người lao động” giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quy định, quy trình, cách thức tổ chức đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động hiện nay.
 
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia tư vấn tại Chương trình
 
Buổi đối thoại đã nhận được nhiều câu hỏi từ đại diện các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đến từ các Công ty Sông Nhuệ, Công ty Thuỷ Lợi Hà Nội, Công ty Thủ lợi sông Đáy, Công ty Thuỷ lợi sông Tích, Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội, Công đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế công nghệ Hà Nội và người lao động về các nội dung như: tiêu chuẩn đối với nhân sự tham gia Ban chấp hành, Ủy ban Kiểm tra và các chức danh Ban chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp được thực hiện theo những quy định nào?; Việc triển khai ứng dụng VssID, sau khi cài đặt một số lao động còn cập nhật thiếu năm đóng BHXH (giai đoạn từ năm 2008 trở về trước), như vậy có ảnh hưởng đến tổng thời gian tham gia đóng bảo hiểm của lao động không? Nếu ảnh hưởng thì phải làm thế nào? Trường hợp mất sổ bảo hiểm thì phải làm gì?; Sinh viên đã nộp bảo hiểm cho nhà trường, nhà trường đang trong quá trình nộp lên quận, trong thời gian đó, sinh viên bị bệnh và yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm. Vậy, trong trường hợp này phải xử lý như thế nào?; Việc kê khai BHXH theo số chứng minh cũ, giờ đã thay đổi căn cước công dân mới có ảnh hưởng gì đến thủ tục, quyền lợi không?; Hợp đồng thử việc có được đóng BHXH không? Hiện nay trên thẻ BHXH và Căn cước công dân gắn chíp có mã QR, người dân được hưởng lợi gì?...
 
Đại diện đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia hỏi
 
Các câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Lê Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Liên đoàn Lao động Thành phố; bà Phạm Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.
 
Phát biểu bế mạc buổi đối thoại, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi 20 cuộc giao lưu, đối thoại trực tuyến năm 2023 về giải đáp chính sách pháp luật cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
 
Bởi, chính sách pháp luật đặc biệt là Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn, nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan mật thiết tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật để cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t