Khám, chữa bệnh từ xa: Cánh tay nối dài của hệ thống y tế (16:02 23/03/2023)


HNP - Trong thời đại của công nghệ số 4.0 như hiện nay, đặc biệt là trải qua giai đoạn phòng và chống dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp trong thời gian vừa qua, ngành Y tế Thủ đô nhận thấy tầm quan trọng, sự cấp thiết khi triển khai khám, chữa bệnh từ xa. Việc áp dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được coi là cánh tay nối dài của hệ thống y tế, phát huy hiệu quả cao nhất việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân.

Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến dưới của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội


Thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT, ngày 22/6/2020, của Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025”; Quyết định số 3458/QĐ-BYT ngày 6/8/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt bổ sung danh sách bệnh viện tham gia Đề án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên đó là: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn là những bệnh viện đầu ngành của Y tế Thủ đô. Các bệnh viện tuyến dưới có 157 đơn vị (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã).
 
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn là một trong những bệnh viện hạt nhân đầu tiên có tên trong Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Bệnh viện đã cùng chung tay với các đơn vị y tế tuyến trung ương, tuyến đầu của thành phố Hà Nội triển khai hoạt động của Đề án, nhằm hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được tư vấn, khám, chữa bệnh, được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới".
 
Định kỳ hằng tuần, Bệnh viện tổ chức các buổi tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hoặc có thể hội chẩn đột xuất theo yêu cầu của tuyến dưới. Nhờ có khám chữa bệnh từ xa, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh, trực tiếp trao đổi, đối thoại với nhau đã giúp nhân viên y tế các tuyến không còn bất kỳ giới hạn về không gian hay khoảng cách địa lý. Từ đó, mở ra cơ hội lớn trong việc đào tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn cho toàn thể y, bác sĩ ở khắp mọi miền tổ quốc.
 
Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I của Hà Nội và là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế, kết nối với 5 tỉnh ở phía Bắc và toàn bộ hệ thống sản khoa của Hà Nội. Nhờ việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã hỗ trợ y tế tuyến dưới hiệu quả trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ, nâng cao hiệu quả điều trị, hội chẩn ca bệnh cấp cứu. Bên cạnh đó, Bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất vào bất kỳ thời điểm nào mà các bệnh viện trong mạng lưới cần. 
 
Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, đội ngũ các y, bác sĩ đã và đang thường xuyên tổ chức các buổi Hội chẩn khám chữa bệnh từ xa nhằm chia sẻ kiến thức chuyên môn, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Theo đánh giá của TS.BS. Bùi Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, đi lại, cũng như giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin với người bệnh.
 
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện điều hành ca mổ tim trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
 
Trong khi đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã xây dựng được mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa gồm 120 đơn vị, trong đó có 16 bệnh viện vệ tinh, 33 bệnh viện và trung tâm y tế thuộc Hà Nội, 25 đơn vị đã, đang hợp tác và 40 bệnh viện, trung tâm y tế thuộc các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội… Bệnh viện thường xuyên gắn kết việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như khám chữa bệnh từ xa, qua điện thoại, zalo, viber…  
 
Điển hình như kỹ thuật siêu âm tim là một kỹ thuật khó trong y khoa, nhờ ứng dụng công nghệ, triển khai khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ Bệnh viên Tim Hà Nội có thể theo dõi việc siêu âm tim cho cả những người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, có thể phối hợp với các bác sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố khác để hội chẩn, điều trị các ca bệnh nặng ở tuyến dưới mà người bệnh không cần chuyển tuyến.
 
Có thể nói, hệ thống khám chữa bệnh từ xa mở ra một giai đoạn mới trong chẩn đoán và điều trị, với mục tiêu là tất cả cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn liên tục. Đặc biệt, hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp cho việc chẩn đoán bệnh sớm và hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ca bệnh khó, các ca bệnh đòi hỏi được chẩn đoán xử lý sớm mà nó còn giúp cho các y, bác sĩ không ngừng nâng cao trình độ mỗi ngày nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t