Cần có những đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, mang đặc trưng của thành phố Hà Nội (14:21 02/12/2022)


HNP - Sáng 2/12, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Anh Tuấn làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Trường Đại học Xây dựng về việc thực hiện Nghị quyết TW 6 (khóa XI) về phát triển Khoa học và Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.  

Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố làm việc tại Đại học Xây dựng


Trường Đại học Xây dựng được thành lập năm 1966, tiền thân là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến nay, Trường đã cung cấp cho đất nước trên 80.000 kỹ sư, kiến trúc sư; 7.917 Thạc sĩ, 247 Tiến sĩ thuộc nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội còn là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, có nhiều đóng góp quan trọng cho thực tiễn sản xuất. Đến nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vinh dự là 1 trong 7 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài; xếp thứ 12 trong số các trường đại học ở Việt Nam.
 
Trong giai đoạn năm 2016-2022, Nhà trường đã và đang thực hiện 30 đề tài cấp quốc gia, 47 dự án hợp tác quốc tế; đã và đang chủ trì thực hiện 227 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và tương đương; 14 đề tài cấp tỉnh, thành phố, trong đó, chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ của thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này được các tỉnh, thành phố đánh giá cao, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của các địa phương. Một số sản phẩm KHCN tiêu biểu của Nhà trường trong thời gian qua đã và đang được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.
 
Trong 5 năm qua, toàn trường có 04 bằng độc quyền sáng chế và 06 giải pháp hữu ích. Một số bằng độc quyền sáng chế tiêu biểu do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp như: “Hệ thống hồ kiểm soát sự cố và xử lý bổ sung nước thải”, “Hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm kênh mương, sông, hồ”...
Trong những năm qua, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư một số cơ sở trang thiết bị phục vụ cho hệ thống các phòng thí nghiệm và công tác nghiên cứu KH&CN của Nhà trường. Đến năm 2022, Nhà trường đã thành lập được 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 25 nhóm nghiên cứu và đã bắt đầu đi vào hoạt động.
 
Tại buổi làm việc, đại diện Trường Đại học Xây dựng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm đến các chủ trương, đường lối, chính sách trong công tác phát triển KH&CN của Nhà trường trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, kiến nghị thành phố Hà Nội quan tâm hơn nữa tới sự phát triển KH&CN của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thông qua các cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các nghiên cứu ứng dụng cũng như nghiên cứu cơ bản, tiềm năng. Ngoài ra, Trường cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội có cơ chế phối hợp giám sát và phản biện xã hội trong các lĩnh vực mà Nhà trường có thế mạnh.
 
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
  
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm đánh giá Trường Đại học Xây dựng có bề dày lịch sử và lĩnh vực nghiên cứu phát triển đô thị rất mạnh, trong đó, có những đề tài được Thành phố tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng Trường cần phát huy tiềm lực trong lĩnh vực phát triển đô thị, đưa những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và có những đề tài sát với đặc điểm của Thủ đô như trong công tác xây dựng nông thôn mới, cải tạo xây dựng chung cư cũ; kinh tế đô thị, đào tạo nhân lực…
 
Ngoài ra, các đại biểu trong đoàn cũng đề xuất Trường nên có những đề tài phối hợp với Thành phố trong nghiên cứu các nội dung về bảo vệ môi trường như đảm bảo môi trường sông, hồ trên địa bàn; giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, góp ý sửa đổi bổ sung các Luật về khoa học, công nghệ
 
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng cho rằng, một số đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Trường chưa bám sát thực tế, chưa phản ánh đúng năng lực của nhà trường. Vì vậy, đề nghị, thời gian tới, Trường cần tiếp tục phát triển tiềm lực công nghệ theo hướng hiện đại, cùng Thành phố giải quyết các chương trình, kế hoạch của Thành phố về phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh vai trò kết nối với các doanh nghiệp, các nhà khoa học. Đồng thời, bám sát nhu cầu quản lý của các sở, ngành, địa phương, qua đó, giải quyết các vấn đề của Thành phố về môi trường, vật liệu mới, quản lý đô thị…
 
Đại diện Trường Đại học Xây dựng cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, qua đây, nhận thức rõ hơn nữa vai trò của một trường Đại học lớn trên địa bàn Thủ đô. Trường sẽ chủ động tham gia với Thành phố trong các vấn đề mang tính phản biện khoa học, tạo cơ hội tham gia các hội nghị, hội thảo góp ý đối với các chương trình của Thành phố, chủ động khai thác các mong muốn của Thành phố để phối hợp với Thành phố trong triển khai các đề tài khoa học, công nghệ.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Anh Tuấn đánh giá Trường Đại học Xây dựng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín của đất nước với độ ngũ giảng viên chất lượng cao, là 1 trong 7 cơ sở đào tạo của cả nước đạt tiêu chuẩn đào tạo quốc tế. Trường đã triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) thông qua các đề tài nghiên cứu gắn với thị trường, thực tiễn cuộc sống; đẩy mạnh hợp tác với các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng tự chủ và phát triển các doanh nghiệp; số lượng đề tài nghiên cứu của trường rất lớn, có nhiều lĩnh vực Thành phố quan tâm.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị nhà Trường tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, góp phần đổi mới, phát triển Thủ đô và đất nước, nhất là trong phát triển và quản lý đô thị, những giải pháp hữu ích với Thủ đô. Nhà trường chủ động bám sát các chương trình lớn của Thành phố trong phát huy thế mạnh của nhà trường triển khai các đề tài liên quan đến các vấn đề Thành phố đang quan tâm, như: quy hoạch, hạ tầng kiến trúc, giao thông, môi trường, ngầm hóa…Đồng thời, đề nghị nhà trường, nhà khoa học tiếp tục phối hợp Thành phố tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện các chương trình lớn của Thành phố.

Đối với những kiến nghị của nhà trường, Đoàn sẽ tổng hợp và báo cáo với Thành phố để quan tâm, giải quyết.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t