Nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số (11:43 09/08/2022)


HNP - Để hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số, hiện TP Hà Nội đang đặc biệt chú trọng phát triển dữ liệu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.  

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm


Từng bước cung cấp dữ liệu mở
 
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, vừa qua, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Với kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số Thành phố hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
 
“Đến năm 2025, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành phố; từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu” - ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.
 
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
 
Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Hệ thống Số liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trưởng tiểu học, THCS, THPT...
 
Hoạt động của Trung tâm Điều khiển giao thông TP Hà Nội giúp lực lượng chức năng chủ động cảnh báo, điều tiết từ xa, hạn chế thấp nhất nguy cơ ùn tắc giao thông
 
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội tiếp tục ứng dụng hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online. Thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội). Ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo hiệu quả…
 
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, các ứng dụng công nghệ trên sẽ giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các doanh nghiệp vận tải sẽ quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Kinh nghiệm bước đầu trong cấp định danh điện tử
 
Để phục vụ chuyển đổi số thành công, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng đang được TP Hà Nội tích cực triển khai thời gian qua là phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 Chính phủ.
 
Theo Công an Thành phố Hà Nội, đến giữa tháng 7/2022, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi.
 
Công an Thành phố tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân; đã rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư.
 
Tính đến ngày 30/6/2022, Thành phố đã có gần 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh BHYT áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh là trên 26.000 lượt.
 
Tại thời điểm này, Công an TP Hà Nội đang trong đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho những công dân đủ điều kiện còn lại trên toàn Thành phố. Từ ngày 25/7 đến ngày 25/8, tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn triển khai 3 ca cấp căn cước công dân gắn chíp/ngày, từ 7h đến 22h hằng ngày.
 
Theo Phó Trưởng phòng Phòng PC06 Nguyễn Thành Lâm, có được những kết quả nêu trên trong thời gian qua, Công an Thành phố đã xác định được một số kinh nghiệm cụ thể, đó là sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp đã tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn dân cư.
 
Hà Nội là 1 trong 5 địa phương của cả nước được Bộ Công an giao phải hoàn thành công tác cấp căn cước công dân gắn chíp cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa bàn xong trước ngày 31/8/2022
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong triển khai Đề án 06, Sở TT&TT cũng đã phối hợp Văn phòng UBND Thành phố, Công an Thành phố, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC. 
 
Với vai trò là hạt nhân dẫn dắt hoạt động, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của Thành phố, trong thời gian tới, Sở TT&TT Hà Nội sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số của TP Hà Nội, đồng hành cùng các cơ quan của Thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô triển khai các hoạt động phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Sở TT&TT cũng sẽ chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Thành phố kịp thời giải quyết.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t