Tập huấn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành (19:54 05/07/2022)


HNP - Ngày 5/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phổ biến các quy định, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các đại biểu đến từ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái phát biểu khai mạc hội nghị


Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái cho biết, bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường với phương châm không đánh đổi môi trường lấy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trên tinh thần đó, Luật Bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng cho các thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân ghi nhận, coi đây là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số quy định pháp luật khác. Để khắc phục những hạn chế của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và tạo ra những cơ chế mới trong công tác bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với 16 chương, 171 điều, với 9 điểm mới, tháo gỡ vướng mắc, giúp công tác quản lý môi trường được minh bạch và hiệu quả hơn. 
 
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về bảo vệ môi trường thường xuyên, liên tục tới từng đối tượng nhằm bảo đảm tính hiệu quả cao nhất; Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã... tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu, theo từng nhóm đối tượng quản lý cụ thể, bảo đảm triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 trên địa bàn thành phố thực sự đi vào cuộc sống, được tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ, thực hiện và đồng hành.
 
Cũng tại hội nghị, các báo cáo viên thông tin về Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thi hành các quy định, chính sách của luật... Trong đó tập trung vào những điểm mới trong nguyên tắc, quan điểm, chính sách các hoạt động đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giải quyết chanh chấp, tố cáo về bảo vệ môi trường; những điểm mới về quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng các thành phần môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua đó giúp các cán bộ làm công tác quản lý môi trường nắm bắt kịp thời các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quản lý và áp dụng vào thực tế tại cơ sở.
 
Một số điểm mới luật bảo vệ môi trường 2020:
 
Ban hành Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ về tác động môi trường bao gồm các nhóm I,II,III và IV (khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6, Điều 28 đến Điều 29 Luật này;
 
Bãi bỏ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi. Luật bổ sung về trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường. Ví dụ trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi thì hội đồng thẩm định phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó; cơ quan thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản thì mới đạt được sự đồng thuận trước khi phê duyệt kết quả thẩm định… (điểm d, khoản 3, Điều 34 Luật này); UBND tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh mình. Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư của mình (khoản 3, Điều 35 Luật này). Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới năm 2020 quy định phân cấp mạnh cho địa phương là UBND cấp tỉnh.
 
Quy định cấp Giấy phép môi trường gồm 3 nhóm có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc chất thải nguy hại khi vận hành….Đặc biệt quy định rõ kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực (khoản 6, Điều 42 Luật này).
 
Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hoạt động phân loại rác thải (Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất rắn sinh hoạt khác); quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Đồng thời quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng. Nếu chất thải được phân loại thì các hộ gia đình, cá nhân có chất thải không phải chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
 
Quy định từ năm 2020 về sau, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải, không sử dụng bao bì đúng quy định thì chất thải sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Đồng thời hộ gia đình, cá nhân có chất thải đó sẽ bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 77 Luật này).
 
Quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo trách nhiệm, quản lý thống nhất giữa các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương, cơ sở có đầu tư dự án.

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t