Hà Nội đảm bảo an sinh xã hội qua nguồn vốn tín dụng chính sách (14:14 28/06/2022)


HNP - Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002, của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại một điểm giao dịch của NHCSXH huyện Mỹ Đức


Một mô hình phù hợp và hiệu quả
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách triển khai qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống, góp phần giúp cho trên 4.400 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 102.000 lao động; hỗ trợ 5.200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 46.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây dựng, sửa chữa 105 ngôi nhà cho hộ nghèo.
 
Tương tự tại địa bàn huyện Mỹ Đức, mặc dù đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm khá cao, thế nhưng, đến nay, vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% xã, thị trấn. Giám đốc NHCSXH huyện Mỹ Đức Tạ Đức Thức cho biết, sau 20 năm, với 110.208 lượt khách hàng được vay vốn, đơn vị đã góp phần giúp cho 18.961 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 28.941 lao động; xây dựng và cải tạo 52.412 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; cho 902 hộ nghèo xây dựng nhà ở và đặc biệt là giúp cho 4.285 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập.
 
Còn tại huyện Đan Phượng, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu chính sách đã góp phần giúp cho hơn 31.000 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 15.000 lao động; xây dựng và cải tạo sửa chữa được hơn 37.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho hơn 4.500 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 396 hộ nghèo làm nhà ở,… “Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn huyện Thạch Thất, đồng thời, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11 triệu đồng năm 2002 lên 75 triệu đồng năm 2022; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 0,21%, đời sống người dân, nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện” - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Thất Dương Quốc Mạnh cho hay.
 
Huyện Thạch Thất là địa phương đầu tiên của Hà Nội tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP
 
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh nhận định: Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để các quận, huyện, thị xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 
 
“Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương” - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội nhấn mạnh.
 
Hàng ngàn hộ dân đã thoát nghèo
 
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, nhờ đồng vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp hàng ngàn hộ vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống; nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá. Điển hình như tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) có hộ ông Phạm Xuân Nghề, trước đây thuộc diện hộ nghèo; năm 2014, được vay vốn số tiền ban đầu là 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò; đến năm 2019, gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, hiện gia đình ông có 2 con trâu, 1 con bò, kinh tế gia đình đã phát triển hơn.
 
Còn tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) có hộ bà Đỗ Thị Lý vay 40 triệu đồng nguồn vốn cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, con bà ra trường đã có việc làm ổn định, trả hết nợ ngân hàng; bà Nguyễn Thị Thịnh, cũng thuộc xã Trung Châu, trước đây là hộ nghèo được vay 15 triệu đồng để mua 01 con bò về nuôi; sau 3 năm phát triển chăn nuôi đã thoát nghèo lại được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ mới thoát để  mở rộng chăn nuôi và nay, đã trở thành chủ của một cửa hàng điện tử, điện lạnh.
 
Cháu Lê Quang Minh- Học sinh trường tiểu học xã Phong Vân, huyện Ba Vì bên chiếc máy tính vừa mới mua từ nguồn vốn của NHCSXH huyện
 
Trường hợp gia đình bà Tạ Thị Hợp, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, có 3 mẹ con (trong đó có 1 cháu bị bệnh tật ) kinh tế gặp nhiều khó khăn. Gia đình muốn có vốn để chăn nuôi bò nái và được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, đến nay, gia đình bà đã có cuộc sống ổn định nuôi thêm 02 con bò nái, con bà nay học thêm nghề may và mở cửa hàng bán quần áo may sẵn.
 
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, thời gian tới, dự báo tình hình chính trị, kinh tế - xã hội có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, hơn ai hết, những người nghèo, đối tượng chính sách xã hội là những người yếu thế và gặp nhiều khó khăn nhất, hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và Thành phố trong từng thời kỳ.
 
NHCSXH TP Hà Nội sẽ báo cáo NHCSXH Việt Nam đề xuất sửa đổi điều kiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động cư trú hợp pháp và có dự án vay vốn trên cùng địa bàn cấp huyện được vay vốn tại NHCSXH, xem xét có cơ chế cho vay đối với các hộ có thu nhập trung bình và đề xuất các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét có chế độ phụ cấp cho Trưởng thôn tham gia quản lý tín dụng chính sách tại cơ sở…
 
Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, ngăn chặn kịp thời các biểu hiệu, hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t