Phát triển sản xuất gắn với an toàn phòng dịch (10:45 23/09/2021)


HNP - Ngày 20/9, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Cụ thể hóa chỉ đạo này, việc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phát triển sản xuất vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch đang được triển khai tích cực ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Đảm bảo an toàn trong doanh nghiệp sản xuất


Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch, nỗ lực duy trì hoạt động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Tại các Khu công nghiệp, có 549 doanh nghiệp được phê duyệt phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “2 tại chỗ” hoặc hỗn hợp các phương án; trong đó, có 535 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng số lao động tham gia sản xuất trong đợt giãn cách vừa qua có 110.000 lao động (đạt 68%). 
 
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng gặp những khó khăn nhất định, phần lớn các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hoạt động ổn định lâu năm, cụm công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nên hầu hết diện tích đã bố trí cho nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, khó có thể đáp ứng hoặc đáp ứng đầy đủ điều kiện phương án "3 tại chỗ"; nhiều doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời phương án "1 cung đường 2 điểm đến" và “2 tại chỗ” hoặc thu hẹp đáng kể quy mô sản xuất mới đáp ứng được đủ điều kiện hoạt động. Vì vậy, sau khi có Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP, toàn bộ các doanh nghiệp đã khẩn trương tiếp tục rà soát các điều kiện an toàn để sản xuất.
 
Theo Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP, các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp thực hiện đầy đủ quy định của Trung ương và Thành phố; chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất an toàn đáp ứng tình hình dịch bệnh, gửi UBND xã, phường, thị trấn để quản lý, giám sát, kiểm tra; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại Khu/Cụm công nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong Khu/Cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.
 
Triển khai nội dung chỉ đạo này, nhằm phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa bàn Thành phố, tạo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế, doanh nghiệp trong các KCN cần tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo, Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp nghi mắc, tổ chức diễn tập tại doanh nghiệp; ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định với quận, huyện nơi doanh nghiệp hoạt động và Ban Quản lý.
 
Phó Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Trần Anh Tuấn cho biết, để thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, Ban đã đề nghị các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại doanh nghiệp (kể cả lao động của các nhà thầu phụ); thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn tại Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia và cập nhật trên bản đồ antoancovid.vn và trên hệ thống khai báo trực tuyến covid.hiza.hanoi.gov.vn của Ban Quản lý. Thành lập Tổ xét nghiệm tự nguyện tại doanh nghiệp, phối hợp với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người lao động định kỳ. Có phương án kiểm soát dịch bệnh trong quá trình giao, nhận hàng hóa, nguyên vật liệu, linh kiện, thực phẩm,… đảm bảo phòng, chống dịch.
 
Với người lao động và việc ăn, ở, đi lại của người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người lao động của doanh nghiệp và chủ nhà trọ (đối với lao động thuê trọ) sắp xếp bố trí cho người lao động ở tập trung để quản lý chặt chẽ sau khi rời nơi làm việc về nhà trọ; đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống Covid-19 cho người lao động (Mỗi nhà trọ hoặc cụm nhà trọ chỉ có người lao động của 01 hoặc 02 doanh nghiệp thuê để ở); Tuyên truyền người lao động chỉ đi làm và về nhà, tuyệt đối không tụ tập đông người ăn uống liên hoan, sinh nhật.
 
Thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ người lao động, bố trí người lao động theo phương châm "4 cùng": Cùng ở - Cùng đi làm - Cùng làm phân xưởng/tổ - Cùng ăn; quy định về vị trí ngồi ăn cố định đối với từng người theo từng ca; hoặc vị trí chỗ ngồi cố định trên xe đưa/đón (nếu tổ chức đưa đón tập trung); Trong thời gian làm việc, người lao động không được phép đi ra/vào những khu vực không liên quan khi chưa được sự đồng ý của quản lý cấp trên trong doanh nghiệp. Phát huy vai trò của tổ an toàn Covid.
 
Đồng thời, người lao động thực hiện nghiêm quy định 5K, khai báo y tế hàng ngày trên Website tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Bluzone, NCOVI, khai báo y tế trên tokhaiyte.vn; Ký cam kết với người sử dụng lao động việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Tự đo thân nhiệt tại nơi lưu trú trước khi đến đến công ty, trường hợp ho, sốt, khó thở, mất vị giác không được đi làm.
 
Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch để không đứt gãy chuỗi sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Các điều kiện đảm bảo cho sản xuất được ưu tiên nhưng doanh nghiệp cũng cần đồng hành với chính quyền, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các hướng dẫn về an toàn phòng dịch.

Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t