Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Tạo bước nhảy vọt trong nông nghiệp (20:06 02/06/2021)


HNP - Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn là một thế mạnh của Hà Nội. Việc mở rộng, phát triển mô hình này là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế. Để tạo bước nhảy vọt trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, cần thực hiện nhiều giải pháp.


Sản xuất rau an toàn đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng
 
Kết quả rà soát, Hà Nội có 12.041ha canh tác rau (tương đương với diện tích gieo trồng 30.000ha/năm) phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau trên địa bàn thành phố khá phong phú với trên 40 loại. Sản lượng rau đạt khoảng 700.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô (nhu cầu rau xanh khoảng 1 triệu tấn/năm), còn lại 30% cung cấp từ các địa phương lân cận.
 
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm đến công tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ, Hà Nội có 5.044ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, 521,6ha rau VietGAP và 50ha rau hữu cơ. Có thể nói, việc chuyển hướng sản xuất đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Hà Nội trong canh tác rau. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, kết quả điều tra tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố vào khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly sau thu hoạch. Hằng năm, cơ quan chuyên môn phân tích 300-1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép.
 
Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại, hiệu quả từ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội khá cao. Năng suất rau tăng 30,6%, lượng rau tăng 40,7%, sản xuất rau an toàn đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Tại các địa phương áp dụng che phủ nilon, trồng rau trong nhà màng nhà lưới tăng thêm 3-5 vụ/năm, hiệu quả kinh tế tăng thêm 600 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có nơi diện tích trồng rau đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Theo tính toán, giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn so với sản xuất rau thường 10-20%.
 
Vườn rau sạch định hướng hữu cơ (ogranic) của Hội Nông dân huyện Đan Phượng
 
Từ định hướng phát triển, Hà Nội đã phát triển nhiều chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Đến nay, toàn thành phố có 45 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Hiệu quả sản xuất theo chuỗi đã tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Giá bán rau cũng ổn định hơn so với người bán rau thường trên thị trường 1.000-2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa, mất giá”. Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Giám đốc Hợp tác xã Rau công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, xác định phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn là xu thế tất yếu, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư khu sản xuất rau thủy canh với hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho rau được thiết kế tự động hoàn toàn. Hiện nay, 100% sản phẩm của hợp tác xã tiêu thụ thông qua ký hợp đồng với các doanh nghiệp, mức giá ổn định và cao hơn thị trường 10-15%...
 
Khắc phục hạn chế để phát triển bền vững
 
Theo định hướng, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu, mỗi năm xây dựng ít nhất 3-5 chuỗi tiêu thụ rau an toàn nên việc duy trì diện tích rau an toàn hiện có và mở rộng phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ rau an toàn là cấp thiết. Song từ thực tiễn cho thấy, mô hình này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bởi việc quản lý sản xuất gặp khó khăn do nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, trên 200.000 hộ. Diện tích 5.044ha đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đã có 80.000 hộ sản xuất rau với 50% số hộ được huấn luyện IPM, còn 7.000ha chưa chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với khoảng 120.000 hộ sản xuất rau. Mặt khác, có rất ít doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh rau an toàn do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, do giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
 
Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cũng thiếu chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ. Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, hiện nay, lượng rau an toàn tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm 2-3% tổng sản lượng rau an toàn trên địa bàn thành phố. Trong 45 chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô mới có 30% diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn phần; còn lại, mới dừng ở mức ứng dụng kỹ thuật và một phần ứng dụng công nghệ cao do nguồn vốn đầu tư hạn chế. Trong khi đó, cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm tươi sống của trung ương và thành phố mới quan tâm tập trung đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật; chính sách cho kinh doanh mới tập trung cho hội chợ, chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh rau an toàn như: Chợ đầu mối, chợ buôn bán, chợ bán lẻ, bố trí địa điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng…
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: “An toàn thực phẩm rất quan trọng với sức khỏe của con người. An toàn thực phẩm càng quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng rau xanh. Rau không thể thiếu trong bữa ăn, là thực phẩm sử dụng hằng ngày và tiêu thụ trong ngày với số lượng lớn, chính vì lẽ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên nhằm tăng sản lượng rau, vừa bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô”. Về giải pháp trước mắt, cùng với việc duy trì diện tích hiện có, Sở NN&PTNT sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để mở rộng diện tích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thông qua việc tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân...; quản trị tốt chuỗi giá trị cung ứng rau hiện có, đặc biệt là quan tâm đến các mắt xích trong chuỗi liên kết để không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng...

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t