Xuất khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng (08:55 11/06/2021)


HNP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, thời kỳ 2011-2020, Hà Nội đã đạt được những dấu mốc quan trọng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng cũng như sự đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.

Sản phẩm của Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ) được công nhận sản phẩm OCOP


Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng
 
Chặng đường qua, có thể nói kinh tế Thủ đô có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và 10.000 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu 10 năm qua tăng 7%/năm, trong đó, giai đoạn 2011-2015 tăng 5,25%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 8,8%/năm. Sau 10 năm, quy mô xuất khẩu của thành phố tăng lên gần 2 lần, từ 8,1 tỷ USD năm 2010 lên gần 16 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu 10 năm của thành phố tăng 3%/năm, trong đó, giai đoạn 2011-2015 tăng 3,7%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 2,3%/năm. Sau 10 năm, quy mô nhập khẩu của thành phố tăng lên 1,34 lần, từ 21,1 tỷ USD năm 2010 lên gần 28,8 tỷ USD năm 2020. Về cơ bản, thành phố đạt được mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.
 
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố Hà Nội có chuyển dịch. Tỷ trọng các mặt hàng thô và sơ chế ngày càng giảm, từ 29,8% năm 2011 xuống 17,4% năm 2015 và còn 8,7% năm 2020. Cơ cấu các nhóm hàng nhập khẩu cũng có chuyển biến tích cực với xu hướng tăng dần tỷ trọng hàng hóa phục vụ sản xuất và giảm tỷ trọng hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Năm 2011, tỷ trọng hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng 52%; giai đoạn 2012-2017, nhóm hàng phục vụ sản xuất chiếm 55-60% tổng kim ngạch nhập khẩu. Từ năm 2018 đến nay, nhóm hàng này chiếm trên 70% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng có xu hướng ngược lại, giảm từ 48% năm 2011 xuống 40-45% giai đoạn 2012-2017 và dưới 30% từ năm 2018 đến nay.
 
Thị trường xuất khẩu sản phẩm của Hà Nội về cơ bản vẫn là 5 nước và khu vực: ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Song, mức tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu đã có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Trong giai đoạn 2011-2015, chỉ có 3/6 khối thị trường tăng trưởng dương (Mỹ 8,6%, EU 3,3%, Nhật Bản 1,4%) và 3 khối thị trường giảm (ASEAN, Trung Quốc và khối thị trường các nước còn lại). Bước sang giai đoạn 2016-2020, cả 6 khối thị trường đều đạt tăng trưởng dương. Đáng nói, các doanh nghiệp Hà Nội đã quan tâm phát triển khối thị trường các nước khác, giảm bớt sự phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống. Từ mức tăng trưởng âm 4,1% trong giai đoạn 2011-2015, khối thị trường các nước khác đạt tăng trưởng 13,9%/năm trong giai đoạn 2016-2020 - cao hơn tất cả mức tăng trưởng của các thị trường truyền thống trong cùng giai đoạn. Kết quả này có sự đóng góp từ hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố, góp phần triển khai sang các thị trường phi truyền thống.
 
Khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Hà Nội đã được nâng lên, kim ngạch xuất khẩu và hiệu quả hoạt động xuất khẩu cũng đồng thời được nâng cao. Tại các thị trường Mỹ và EU có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội có xu hướng ngày càng tăng. Tỷ trọng 2 thị trường này năm 2011 là 10,4% và 11,7%; năm 2020 tỷ trọng tương ứng là 16,8% và 13,4%. Mỹ thay thế ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thành phố Hà Nội với tăng trưởng đều đặn, liên tục trong 10 năm qua và có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 cao nhất trong 5 thị trường chủ yếu (9,2%/năm).
 
Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế
 
Nhờ những nỗ lực của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu trong thời gian qua đã có những kết quả rực rỡ. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại phần lớn thị trường xuất khẩu của Hà Nội như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN. Vì vậy, việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Mặt khác, thời gian qua, Hà Nội chưa có những nhân tố đầu tư nước ngoài mới có quy mô để có tác động đột phá đến sản xuất và xuất khẩu; chưa có những dự án quy mô lớn, tập trung sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu...
 
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2021-2030, Hà Nội cần khai thác tiềm năng, lợi thế gồm mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao và mặt hàng truyền thống. Theo đó, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như: Linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử, viễn thông; vật liệu xây dựng và đồ gỗ. Cùng với đó, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu hoặc thay thế mặt hàng nhập khẩu; công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Duy trì tốc độ tăng trưởng nhóm sản phẩm có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng kim ngạch lớn.
 
Hà Nội cũng cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường thế giới và lợi thế của Hà Nội. Theo hướng này, giai đoạn 2021-2030, Hà Nội sẽ tập trung cho phát triển các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ và chất xám cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng, đi kèm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở áp dụng các giải pháp về khoa học công nghệ.
 
Hy vọng, thông qua triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đa dạng hóa thị trường, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa. Từ đó tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động Thủ đô, đồng thời tạo động lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t