Phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long xứng tầm Di sản văn hóa thế giới (11:10 24/03/2021)


HNP - Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010. Tuy nhiên đến nay, Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa được khai thác, phát huy đúng tầm. Thực tế này đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước nâng cao năng lực quản lý, cũng như triển khai các giải pháp tôn vinh, quảng bá Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010


Nhiều khó khăn, vướng mắc 
 
Di sản Hoàng thành Thăng Long gồm hai bộ phận: Khu khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu và khu Thành cổ số 9 phố Hoàng Diệu. Hiện, đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010, TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị như: Tổ chức khai quật khảo cổ; hợp tác quốc tế thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn; khai thác du lịch; giáo dục di sản... 
 
Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã chủ động tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch, từng bước đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ năm 2018, UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai chương trình “Giáo dục di sản”, ngay trong năm học 2018-2019, đã đón hơn 120 nghìn học sinh Thủ đô tham quan, tìm hiểu, khám phá di sản. 
 
Thành phố cũng triển khai nhiều dự án cụ thể để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO năm 2010 như: Dự án bảo tồn Nhà Cục tác chiến, Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng bàn giao, Dự án Tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long (gồm nhiều dự án thành phần)... Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động, nhưng đến nay, nhiều dự án còn chậm tiến độ hoặc chưa thể triển khai. 
 
Theo đó, Hà Nội mới thực hiện được 7/8 cam kết của Chính phủ với UNESCO nhằm nâng cao hiệu quả tôn vinh, quảng bá điểm đến di sản. Riêng cam kết về thống nhất quản lý sau 11 năm vẫn dở dang. Hiện tại, Hà Nội đã tiếp nhận được gần 16,7ha trong tổng diện tích 18,353ha theo hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới, chiếm 91%. Tức là, còn hai khu vực là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (nơi có Kỳ Đài) vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý. Ngoài ra, trên đường Nguyễn Tri Phương còn một cây xăng chiếm diện tích khá lớn nhưng hiện đang được sử dụng để bán xăng.
 
Bên cạnh đó, việc quản lý di vật, hiện vật khảo cổ cũng còn nhiều nan giải. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Khu di sản được bắt đầu được khai quật cách đây 19 năm, từ 2002, tại khu 18 phố Hoàng Diệu. Sau đó, còn nhiều đợt khai quật khác tại Nhà Quốc hội, Vườn Hồng, khu số 62-64 phố Trần Phú, khai quật tại khu Thành cổ. Số lượng di vật, hiện vật khảo cổ vô cùng lớn, với hơn 72.000 két, khoảng vài triệu di vật, gồm nhiều loại hình trang trí kiến trúc, vật liệu xây dựng, đồ dùng cung đình, vũ khí… Song, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mới được bàn giao số lượng hiện vật rất nhỏ, gồm gần 13 nghìn di vật và 2.886 két. Hàng triệu di vật còn lại, dự kiến, đến năm 2025, mới được bàn giao hết theo lộ trình. 
 
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách. Dự án Tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long là dự án thuộc Nhóm A. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội được giao quản lý Hoàng thành Thăng Long nhưng lại không phải là cơ quan chuyên môn của thành phố nên không có thẩm quyền lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong khi đó, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tổng thể mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị khác...
 
Nhìn chung, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, song, việc bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác được nguồn lực văn hóa một cách xứng tầm để phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long 
 
Để Hoàng thành Thăng Long xứng tầm với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới mà UNESCO công nhận, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực. Đối với quản lý mặt bằng, Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Quân ủy Trung ương, thống nhất di dời Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sang một địa điểm khác tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm; song, tiến độ thực hiện còn khá chậm. Riêng với thực hiện Dự án Tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học cho rằng, đây là dự án rất lớn, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tốn rất nhiều thời gian công sức. Thành phố Hà Nội nên tách ra làm nhiều dự án thành phần để triển khai có hiệu quả hơn. 
 
Với các dự án dang dở, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô Nguyễn Quang Ngọc đề xuất, cần phân kỳ đầu tư để triển khai có hiệu quả hơn; bổ sung danh mục ưu tiên với các dự án bảo tồn lâu dài khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu và dự án phục dựng điện Kính Thiên. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Ðạo Cương, phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu từ việc xây dựng mô hình 3D, trước khi triển khai thực tế... Muốn phát huy hiệu quả giá trị di sản cần tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và trưng bày, triển lãm; tăng sức hấp dẫn cho di sản từ các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh giáo dục di sản kết hợp với du lịch học đường.   
 
Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thành phố, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban; kiện toàn Hội đồng Tư vấn khoa học. Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó, tập trung làm nhanh đối với dự án bảo tồn tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm cụ thể hóa tiến độ tiếp nhận các khu vực còn lại cũng như lên kế hoạch bảo quản các di vật khảo cổ sau khi được bàn giao.
 
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự tại khu di sản và ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội, để triển khai các bước tiếp theo. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì tiến độ khai quật khảo cổ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di vật của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long...

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t