Giải pháp tích cực giải quyết ô nhiễm trong chăn nuôi (20:15 24/02/2021)


HNP - Hà Nội có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trên 60%, cộng với những hạn chế trong giám sát, kiểm soát kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, các cấp, các ngành đang lựa chọn hướng đi đúng đắn, giải pháp tích cực trong xử lý môi trường chăn nuôi để giải quyết ô nhiễm.

Huyện Thạch Thất tạo mọi điều kiện cho phát triển chăn nuôi trang trại để hạn chế ô nhiễm môi trường


Thách thức lớn từ ô nhiễm…
 
Mỹ Đức là một trong những huyện của thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 4.189 con trâu, bò, 65.219 con lợn, đàn gia cầm gần 1,5 triệu con. Mặc dù có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chỉ có một số trang trại chăn nuôi tập trung. Phần lớn các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đều có các biện pháp xử lý chất chăn nuôi. Các biện pháp xử lý được áp dụng chủ yếu là thu gom chất thải và ủ hoai mục tận dụng để bón cho cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón. Nước thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý qua hệ thống hầm biogas, tuy nhiên, phần lớn nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi về cơ bản được quan tâm, song do thiếu sự giám sát, kiểm soát, cộng với thực trạng xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở trong khu dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến.
 
Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở rất nhiều địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung hình thành các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm tập trung theo quy hoạch, ngoài khu dân cư với các trang trại quy mô chăn nuôi vừa và lớn. Đến nay, thành phố đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm với 10.787 con/2.323 hộ nuôi; 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm có 25.547 con/15.434 hộ nuôi; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm có 195.622 con /6.698 hộ nuôi; 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm có 5.684.676 con/14.633 hộ nuôi. Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố có trên 3.810 trại, trang trại chăn nuôi quy mô hàng triệu con gia súc, gia cầm.
 
Không chỉ có vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã phối hợp tích cực với các địa phương triển khai nhân rộng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, đến nay, đã đưa vào sử dụng trên 41 nghìn công trình hầm khí biogas nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện toàn thành phố có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm khí biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 28 trại chăn nuôi bò thịt, 29% chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi đã đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi, góp phần giảm 80-90% mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi.
 
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Quý Hùng, hiện, công tác thu gom chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Vì vậy, ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi đang trở thành một trong những thách thức lớn của thành phố Hà Nội.
 
… Những giải pháp căn cơ
 
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, Hà Nội vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chăn nuôi với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn: 25.000 con trâu, 129.700 con bò, đàn lợn 1,36 triệu con, gia cầm 39,9 triệu con. Lượng thịt hơi các loại xuất chuồng trên 381 nghìn tấn. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường và thực trạng chăn nuôi, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường chăn nuôi; đồng thời khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp, công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi… nhằm nâng cao chất lượng môi trường chăn nuôi trên địa bàn Thủ đô. 
 
Để tránh những hệ huy phát sinh do ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là từ các trang trại, theo ông Nguyễn Huy Đăng, chính quyền các địa phương cần rà soát lại thực trạng chăn nuôi hiện có để bảo đảm phát triển đúng quy hoạch khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh... Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục...
 
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố Hà Nội xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Với trách nhiệm của ngành, song song thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực như ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nước thải để bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, lãnh đạo và người dân nông thôn về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết xung đột về xử lý môi trường..., Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Cùng với đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành văn bản trong lĩnh vực môi trường chăn nuôi thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mang tính khả thi và hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý môi trường chăn nuôi. Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến bảo vệ và xử lý môi trường trong chăn nuôi đảm bảo tính khả thi, đơn giản trong quá trình triển khai thực hiện. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại, tận dụng và xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, chi phí phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và điều kiện kinh tế của người chăn nuôi Hà Nội.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t