Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo và phát triển (14:56 24/02/2021)


HNP - Năm 2020, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về tài nguyên, môi trường, ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thực hiện chủ đề công tác: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông trao Cờ, Bằng khen cho các tập thể, cá nhân


Nhiều chuyển biến rõ nét
 
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, năm 2020, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực hoàn thành tất cả các mặt công tác, nhiệm vụ chuyên môn đề ra. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu thành phố Hà Nội phê duyệt danh mục các dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích đất theo quy định. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển cũng chuyển biến tích cực. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt kết quả cao, đã hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho 1.551.951 thửa đất cho cho hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện. Đối với 94.841 thửa đất phát sinh, cấp được 88.151 thửa, đạt 92,94%; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở được 219.769 căn hộ, đạt tỷ lệ 98,62%; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư được 13.856 căn, đạt tỷ lệ 98,78%; cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp được 617.964 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 99,21%...
 
Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu cũng được quan tâm triển khai hiệu quả. Trong đó, điểm nhấn là thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh, kiểm soát các nguồn khí thải; loại bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, đã loại bỏ 49.921 bếp than tổ ong, đạt 91,61%.
 
Song song tập trung triển khai chương trình, nhiệm vụ các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, làng nghề, xử lý chất thải nguy hại, triển khai các chương trình phân loại và thu gom rác thải nhựa…, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức vận hành ổn định, liên tục 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt tự động, vận hành hệ thống quan trắc nước rỉ rác sau xử lý, xe quan trắc không khí di động tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Sở cũng liên tục cung cấp diễn biến chất lượng môi trường không khí, nước mặt trên hệ thống thông tin điện tử và cung cấp cho các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân theo dõi.
 
Ghi nhận sự nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm qua không thể không nhắc tới đó là công tác cải cách hành chính tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
 
Tạo đột phá trên một số nhiệm vụ trọng tâm
 
Theo kế hoạch, nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2021 là rất lớn, trong đó, lĩnh vực đất đai có 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, công tác bảo vệ môi trường là 11 nhóm, đo đạc, bản đồ, viễn thám và xây dựng hồ sơ địa chính 2 nhóm, thanh tra, kiểm tra 4 nhóm, tài nguyên khoáng sản 2 nhóm, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. 
 
Phó Giám đốc Sở Lê Tuấn Định báo cáo kết quả công tác năm 2020 của Ngành TNMT
 
Ông Lê Tuấn Định cho hay, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. “Bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp mang tính đột phá trong công tác quản lý của ngành trên địa bàn thành phố, từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cùng với đó, thành lập các tổ công tác trực tiếp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường”, ông Lê Tuấn Định nói.
 
Cùng với các giải pháp mang tính đột phá, chiến lược, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, từng vị trí công tác theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt” gắn với chủ đề công tác năm 2021. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu các quy định của pháp luật và văn bản của cấp trên để tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và phù hợp với thực tiễn của Thủ đô trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt…  
 
Bằng những giải pháp cụ thể, hy vọng rằng, năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực để có thêm những thành quả tích cực hơn nữa trong công tác quản lý, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t