Để Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả (10:56 12/02/2021)


HNP - Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhân dân Thủ đô Hà Nội lại nô nức hưởng ứng Tết trồng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Theo kế hoạch, năm 2021, Hà Nội sẽ trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ và 200.000 cây ăn quả. Xác định việc trồng cây là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Tết trồng cây bảo đảm thiết thực, hiệu quả.


Sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết
 
Thực hiện lời căn dặn của Bác, “Tết trồng cây” phải liên hệ chặt chẽ với kế hoạch trồng cây gây rừng, năm 2021, huyện Ba Vì đã sớm ban hành kế hoạch triển khai lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, Ba Vì có diện tích rừng khá lớn, do đó nét mới trong kế hoạch Tết trồng cây năm nay của huyện gắn với trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Toàn huyện sẽ trồng trên 2.000 cây xanh phân tán các loại như: Tùng, Kim Giao, Sang Đỏ, Chiêu Liêu, sấu, Bằng Lăng, bưởi, nhãn, cam, xoài… Ngoài trồng cây xanh trong khuôn viên trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, ven các tuyến đường giao thông, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã có rừng tuyên truyền, vận động cán bộ, các tầng lớp nhân dân tích cực trồng cây, trồng rừng để bảo vệ môi trường theo lời Bác Hồ dạy.
 
Là địa phương có rừng, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, huyện Quốc Oai đã yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, qua đó, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Toàn huyện phấn đấu trồng 3.000 cây bóng mát, 8.000 cây ăn quả tại các vùng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được phê duyệt và trồng mới, trồng bổ sung 50ha rừng trồng tập trung tại các xã có rừng. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: quan điểm của huyện là thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, trồng cây nào sống cây ấy, do đó việc lựa chọn tiêu chuẩn cây trồng được quan tâm chú trọng. Theo đó, cây trồng bóng mát, lấy gỗ phải khỏe, bầu chắc không sâu bệnh, chiều cao 3-4m, đối với cây ăn quả phải bảo đảm các đặc trưng của giống. Cây được vận chuyển đến địa điểm trồng phải còn nguyên bầu, tán lá tươi, sau khi trồng bảo đảm sinh trưởng phát triển tốt.
 
Huyện Phúc Thọ hưởng ứng Tết trồng cây xuân Canh Tý, tại khuôn viên Trường THCS Thọ Lộc
 
Trong khi đó, nét mới của các huyện ven đô như: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm trong xây dựng kế hoạch “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 đều gắn với phát triển đô thị. Theo lời Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng: Toàn huyện phấn đấu trồng mới, trồng thay thế 12.346 cây xanh các loại, trong đó, trồng trong lễ phát động Tết trồng cây đầu xuân là 291 cây, số còn lại 11.955 cây được trồng rải rác trong năm 2021. Với mục tiêu trồng cây gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiệu đại và tiêu chí phát triển thành quận, Đan Phượng lựa chọn các loại cây trồng: Sấu, bàng Đài Loan, Osaka, Vàng Anh, Sang, Giáng Hương… trồng tại trụ sở làm việc, điểm công nghiệp, làng nghề, trường học, nhà văn hóa, ao môi trường. Còn cây ăn quả gồm táo, bưởi sẽ được trồng trong khu dân cư, ruộng đồng, vườn trại… nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho hộ dân. Tương tự, huyện Đông Anh tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề án trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn, góp phần hoàn thiện tiêu chí cây xanh đô thị để xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Chúng tôi đã quán triệt, việc tổ chức Tết trồng cây năm nay tại mỗi xã, thị trấn phải rõ địa điểm, số lượng, tiêu chuẩn, chủng loại cây trồng; rõ người và biện pháp trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh. Đồng thời, được phát động đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức…”.
 
Tại các quận, huyện, thị xã khác cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, trồng đi đôi với chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
 
Hưởng ứng mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
 
Theo kế hoạch, song song thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp và làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, năm 2021, Hà Nội phấn đấu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ và trên 200.000 cây ăn quả các loại. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, chỉ tiêu trồng cây xanh năm 2021 cao hơn so với những năm trước đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, theo đồng chí Chu Phú Mỹ: "các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trồng rừng và cây phân tán cần lưu ý chọn cây bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường, phù hợp điều kiện từng nơi. Khuyến khích trồng cây bản địa phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng”.
 
Được biết, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của các tầng lớp nhân dân trong phòng trào trồng cây, trồng rừng, góp phần bảo vệ môi và xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, công tác trồng cây, trồng rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp tích cực với các sở, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết về an ninh trật tự, địa điểm, loài cây để tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021.
 
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, nhiều địa phương đã linh hoạt trong triển khai Tết trồng cây năm 2021. Đơn cử huyện Đông Anh đã phát động tới toàn thể cán bộ, đảng viên gương mẫu đăng ký trồng, ủng hộ mỗi người ít nhất 1 cây xanh. Huy động và khuyến khích mọi nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong việc trồng và quản lý cây xanh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng xác định trồng cây là một trong tiêu chí đánh giá thi đua đối với các nhà trường; đồng thời, có biện pháp phù hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới từng học sinh trong việc trồng cây, trồng hóa để bảo vệ môi trường, xây dựng trường học ngày càng xanh - sạch - đẹp. Với Phúc Thọ, huyện đã bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí mua cây giống và các chi phí khác để tổ chức lễ phát động Tết trồng cây. Còn ngân sách các xã, thị trấn của huyện tự cân đối hoặc bằng nguồn xã hội hóa để tổ chức trồng cây tại địa phương… 
 
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, Tết trồng cây năm nay sẽ tiếp tục trở thành phong trào sâu rộng hơn trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô ngày càng tươi đẹp hơn...

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t