Bảo đảm 100% thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm rõ địa chỉ được xử lý (08:04 10/02/2021)


HNP - Đây là mục tiêu trong kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP) lĩnh vực công thương trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Năm 2021, một trong những mục tiêu của Sở Công Thương là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP. Thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý bảo đảm chất lượng ATTP; nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương và người tiêu dùng.
 
Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP. Kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng ATTP các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương lưu thông trên thị trường thành phố. Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về ATTP. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến về ATTP; tiếp nhận cam kết bảo đảm ATTP; tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP; triển khai thực hiện các chương trình, mô hình điểm về ATTP lĩnh vực công thương...
 
Sở Công Thương cũng xác định rõ các chỉ tiêu cơ bản, năm 2021, chủ động và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm ATTP lĩnh vực công thương nhằm: Phấn đấu 85% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành Công Thương có kiến thức thực hành đúng về ATTP và các VBQPPL liên quan, 85% người tiêu dùng có kiến thức đúng về ATTP. 100% cán bộ làm công tác ATTP của ngành Công Thương được cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP.
 
Đáng chú ý, Sở Công Thương sẽ đôn đốc 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực công thương thuộc phạm vi quản lý thực hiện tự tập huấn và chủ cơ sở thực hiện xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định. Phấn đấu 90% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Phấn đấu tiếp nhận bản cam kết hoặc bản sao giấy chứng nhận (có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) theo quy định đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt tỷ lệ trên 90%.
 
Đối với công tác bảo đảm ATTP tại chợ phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực công thương được tập huấn, xác nhận kiến thức về ATTP, ký cam kết bảo đảm ATTP; nâng cao tỷ lệ cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được cấp phép đạt cao hơn 50% so với năm 2020. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ cấp phép bán lẻ rượu tại các quận đạt tỷ lệ 100%, tại các huyện, thị xã đạt tỷ lệ 50%.
 
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025” nhằm phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tính đến hết năm 2021: 100% cửa hàng được cấp đăng ký kinh doanh, 100% người kinh doanh được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATTP; 100% cửa hàng tuân thủ đầy đủ các điều kiện tại đề án và được cấp biển nhận diện; 30-50% các tuyến phố văn minh tại quận và các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã không kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. 100% thông tin phản ánh về mất ATTP rõ địa chỉ trên địa bàn thành phố được kiểm tra đột xuất xác minh, xử lý thông tin.

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t