Áo dài: Đánh thức hồn Tết Việt (15:18 14/02/2021)


HNP - Từ xưa đến nay, thói quen "mặc đẹp đón Tết" đã dần trở thành một trong những nét đẹp của người Việt ta. Từ truyền thống đến cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi và trở thành một phần không thể thiếu của ngày Tết hiện đại, góp phần làm nên không khí trọn vẹn ngày đầu năm mới.

Diện áo dài dịp Tết thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt


Lan tỏa giá trị chiếc áo dài
 
Những năm trở lại đây, áo dài xuất hiện ngày càng nhiều. Khi khoác lên mình tà áo dài duyên dáng, mỗi người phụ nữ Việt Nam đều thêm yêu và tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình, một trang phục không lẫn với bất cứ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới… 
 
Nhằm lan tỏa giá trị của chiếc áo dài, năm 2020, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội. Cụ thể, vào cuối tháng 6/2020, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam". Với mục đích xác định áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, định vị áo dài bằng tính pháp lý thông qua những sáng tạo của các nhà thiết kế đã có nhiều tâm huyết cho áo dài trong nhiều năm. Những giá trị văn hóa từ Di sản đã được thế giới công nhận và ngưỡng mộ chính là một thẻ thông hành để áo dài được xác định nguồn gốc dù đi đến đâu và xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào.
 
Lễ hội áo dài với chủ đề "Hương sắc Tràng An" góp phần tôn vinh giá trị chiếc áo dài
 
Cuối năm 2020, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra Lễ hội áo dài với chủ đề "Hương sắc Tràng An". Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Hà Nội Kết nối - Vươn xa", do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện, với mong muốn góp phần tôn vinh giá trị của áo dài - một biểu tượng của vẻ đẹp và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Theo bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội: "Từ thành thị cho tới nông thôn, trên đường phố hay trong các trường học, công sở, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thướt tha trong tà áo dài. Áo dài góp phần tôn lên vẻ đẹp vừa kín đáo vừa dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt, khẳng định dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhiều bạn bè quốc tế cũng vô cùng yêu thích được khoác trên mình chiếc áo dài Việt Nam".
 
Áo dài cách tân: Vừa hiện đại vừa truyền thống
 
Chiếc áo dài ngày nay đã được các nhà thiết kế sáng tạo "thổi vào" nhiều nét mới cách điệu hay còn gọi là áo dài cách tân. Vào cuối tháng 11/2020 vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (số 50, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức hội thảo Trang phục áo dài truyền thống: "Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay". 
 
Áo dài cách tân nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống
 
Tại đây, các nhà chuyên môn cho biết, áo dài là một di sản trang phục truyền thống của Việt Nam. Những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, áo dài được may ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng được gọi là áo dài truyền thống. Từ những năm 1930, các hoạ sĩ đã có những thay đổi về thiết kế. Đó là áo dài hiện đại…
 
Thạc sĩ Nguyễn Kim Hương - Giảng viên thiết kế thời trang, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Cách tân áo dài là một xu hướng để phù hợp với cuộc sống hiện nay. Cách tân có thể mặc trong cả lúc đi làm đi chơi chứ không chỉ trong sự kiện. Cách tân phải bảo đảm được yếu tố cổ truyền, tôn trọng bản sắc cá nhân và tiện lợi.
 
Diện áo dài dịp Tết: Niềm tự hào dành cho trang phục truyền thống
 
Thời trang ngày Tết thời hiện đại không thiếu sự lựa chọn về trang phục, nhưng áo dài vẫn là một trong những trang phục được rất nhiều chị em lựa chọn. Việc mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày nói chung và ngày Tết nói riêng. Với nhiều người dân, đây như một dịp để thể hiện niềm tự hào dân tộc nhưng vẫn phát huy nét duyên dáng của những tà áo dài, chúng được khéo léo pha trộn: vừa nhu mì vừa thanh lịch, vừa cổ điển vừa sang trọng và luôn hợp thời. 
 
Cũng vì sự thân thuộc và những ưu điểm nổi bật này cùng chủ ý đón Tết thời hiện đại nhưng vẫn giữ cái hồn dân tộc thì lựa chọn áo dài luôn được các chị em ưu ái đưa lên hàng đầu. Ngoài ra, hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành một nét văn hóa, truyền thống quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền. Nhiều bậc cao niên cho rằng: Người phụ nữ Việt sẽ đẹp nhất trong tà áo dài duyên dáng.
 
Trên đường phố Hà Nội, đặc biệt vào dịp Tết, hình ảnh áo dài đủ màu sắc, kiểu dáng ngập tràn. Mọi độ tuổi đều ăn mặc đẹp hơn ngày thường trong tà áo dài thướt tha du Xuân. Cùng một thiết kế áo dài Tết sẽ rất khó để tìm ra những điểm khác biệt giữa các độ tuổi vì nhìn chung tà áo dài Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi và đều toát lên nét đẹp đặc trưng của từng cá nhân. Cá tính riêng của mỗi người phụ nữ được thông qua các lựa chọn như họa tiết, chất liệu và màu sắc áo dài…
 
Còn gì đẹp hơn nếu trong ngày Tết cổ truyền, ta thấy những bậc cao niên, những cặp vợ chồng và cả những đứa trẻ xúng xính trong bộ áo dài dân tộc. Có thể nói, mặc áo dài Tết không chỉ đẹp mà còn là sự thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t