Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững (14:44 31/01/2021)


HNP - Sản xuất nông nghiệp Hà Nội ngày càng có vị trí quan trọng khi dân số khu vực nông thôn chiếm trên 60% dân số toàn thành phố. Đây cũng là nơi sản xuất, cung ứng chủ yếu lương thực, thực phẩm, rau, hoa, quả cho thành phố. Định hướng nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, sử dụng kỹ thuật cao, năng suất, chất lượng cao gắn với phát triển đô thị sinh thái môi trường bền vững, cải thiện nhanh đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới, văn minh giàu đẹp là hướng đi phù hợp, đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức, đưa ra những giải pháp tích cực.

Mô hình trồng hoa chất lượng cao ở huyện Đan Phượng


Những chuyển biến rõ nét
 
Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là nông dân khu vực ngoại thành, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt tạo nên một bức tranh đẹp. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 4,2%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, cao hơn chỉ tiêu thành phố giao kế hoạch đầu năm 2020 là 1,2%. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản là trên 56,2%. Phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp khi Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với 1,36 triệu con lợn, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2019; 25.000 con trâu, tăng 2,3%; 129.700 con bò, tăng 0,6%; 39,9 triệu con gia cầm (chưa tính số lượng đàn chim cút), tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, đến nay, đạt khoảng 280 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập của người dân ngày càng cao. Mặc dù những năm gần đây đất nông nghiệp được chuyển sang phục vụ xây dựng đô thị, công nghiệp hàng nghìn héc ta nhưng Hà Nội vẫn bảo đảm đầy đủ lương thực, đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.
 
Điểm đột phá trong chuyển hướng nông nghiệp Hà Nội trong năm qua đó là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững tạo khối lượng sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao như vùng rau Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh; vùng hoa Mê Linh, Đông Anh; vùng cây ăn quả Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản Thanh Trì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế.
 
Chưa dừng lại ở đó, sau dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả hình thành nhiều trang trại lớn, sản xuất hiệu quả. Hà Nội hiện 3.150 trang trại, trong đó, có 2.700 trang trại chăn nuôi, 193 trang trại tổng hợp, 218 trang trại nuôi trồng thủy sản, 38 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp. Theo tính toán, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ hình quân một trang trại đạt trên 500 triệu đồng, cung cấp khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng phục vụ thị trường Thủ đô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, nông nghiệp Hà Nội đang tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng bền vững, tiến bộ, tạo bước ngoặt cho nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, đa dạng.
 
Nỗ lực để giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,2% trở lên
 
Với định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp Thủ đô thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần có bước tiến nhanh, chuyển biến mạnh hơn. Đặc biệt, năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2026). Cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ hơn, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển công nghệ mới tăng nhanh, cải cách thể chế được đẩy mạnh sẽ có tác động đến ngành Nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, kế hoạch lớn mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện đã thể hiện rõ tính đúng đắn, sự cần thiết cũng như yêu cầu cần phải được tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa để phục hồi tăng trưởng, phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
Để có thể hoàn thành được mục tiêu năm 2021, giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp tăng trưởng từ 4,2% trở lên, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp chính đó là cụ thể hóa bằng việc quyết tâm thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, dự án cụ thể. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ…; sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu với cơ cấu các lĩnh vực sản phẩm chủ lực có chất lượng, tính cạnh tranh cao, quy mô hàng hóa lớn, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô Hà Nội và hướng tới xuất khẩu.
 
Ông Chu Phú Mỹ cho biết, theo định hướng này, song song với tiếp tục tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển thủy sản, Hà Nội sẽ khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát, nhất là tăng thêm các cửa hàng, điểm bán rau an toàn, hình thành thêm các nhóm tiêu thụ rau an toàn. Đối với lĩnh vực chăn nuôi phát triển nhiều trang trại, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư giảm ô nhiễm môi trường với sản phẩm chủ lực là thịt lợn, bò, gia cầm, bò sữa.
 
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội sẽ từng bước khắc phục tình trạng đất đai manh mún để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Khẩn trương tổ chức lại sản xuất xây dựng các hợp tác xã, các nhóm hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp. Hợp đồng chế biến bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, phân công lao động hợp lý theo hướng chuyên canh, chuyên vùng, hộ giỏi nghề nào làm nghề đó. Phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng chính là động lực để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển toàn diện và vững chắc nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t