Không gian sáng tạo: Trụ cột xây dựng Thành phố sáng tạo (10:08 29/11/2020)


HNP - Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về hoạt động của những không gian sáng tạo. Đó là trụ cột để thành phố xây dựng Thành phố sáng tạo.

Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa


Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo với nhiều hình thức khác nhau, đây là động lực thúc đẩy thành phố sáng tạo, kinh tế sáng tạo, tuy nhiên sau một năm Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, những không gian sáng tạo chưa có nhiều chuyển biến. Vì vậy để nâng cao nhận thức, tìm tòi những ý tưởng mới, xây dựng các không gian sáng tạo cho cộng đồng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Thiết kế các không gian sáng tạo. Cuộc thi được phát động vào cuối tháng 10/2020 và kéo dài đến tháng tháng 3/2021.
 
Một trong ba nhóm đối tượng mà cuộc thi hướng đến là những không gian vốn là các công trình công cộng như không gian sinh hoạt động đồng cho các khu dân cư (chung cư cũ hay đô thị mới), những quảng trường, vườn hoa, bệnh viện, trường học… thậm chí cả các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa của các xã, phường hay thôn làng… Nếu như trước đây, nhận thức về không gian sáng tạo chủ yếu “gói gọn” trong các trung tâm hoạt động (thực và ảo) của giới nghệ sĩ, nhà thiết kế và một số không gian công cộng như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa trên phố Phùng Hưng thì nay, “giới hạn” về không gian sáng tạo được mở rộng hơn rất nhiều. 
 
Theo Ban tổ chức, thành phố muốn các nhà thiết kế, nghệ sĩ “thiết kế lại” những không gian ấy để chúng có thể thu hút cộng đồng, nâng cao khả năng kết nối cộng đồng, hỗ trợ các hoạt động văn hóa của cộng đồng và có thể hỗ trợ kinh doanh. Không chỉ dừng lại ở thiết kế không gian, các bài thi còn phải đề xuất về mô hình hoạt động của những không gian này. Hà Nội từng có một số không gian công cộng được cải tạo thành không gian sáng tạo, nổi bật nhất là phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Với việc chú trọng cải tạo những công trình công cộng trở thành không gian sáng tạo, hy vọng, thành phố sẽ có thêm nhiều không gian hữu ích cho cộng đồng. 
 
Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Trong đó, dấu ấn của quá trình phát triển công nghiệp rất rõ nét. Thành phố có hàng trăm nhà máy lớn nhỏ, thí dụ như: Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, hay khu vực ba nhà máy lớn trên đường Nguyễn Trãi thường được gọi là khu Cao - Xà - Lá… đây được gọi là những di sản đô thị. Trên thế giới cải tạo các không gian này thành những không gian sáng tạo đã trở thành xu hướng. 
 
Tại Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có không gian như Khu 3A - Sài Gòn - không gian sáng tạo từ việc tái sinh khu vực nhà máy cũ ở quận 4; Hải Phòng có khu Area21 cải tạo từ tập thể cũ. Bản thân Hà Nội từng có tổ hợp Zone 9 ở phố Trần Nhân Tông. Những di sản đô thị của Hà Nội cũng được các chuyên gia đề xuất phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, với điều kiện giá đất đai ở Hà Nội rất cao, việc cải tạo có thể tiến hành ở một không gian nhất định thay vì toàn bộ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ góp phần tạo nên bản sắc đô thị của Hà Nội, thay vì những tòa chung cư thiết kế na ná nhau. Cải tạo các di sản đô thị cũng là một trong những hạng mục lớn của cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội.
 
Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ lễ phát động cuộc thi Thiết kế các không gian sáng tạo, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Năm 2008, khi Hà Nội mở rộng, ban đầu, ông nghĩ việc mở rộng chủ yếu phục vụ cho phát triển đô thị. Nhưng thực tế, Hà Nội đang ôm trong mình một di sản vô cùng quý giá, hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng trăm làng cổ là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Các làng nghề có nhiều nét đặc trưng. Song, cái khó khăn nhất của các làng nghề hiện nay chính là việc có thiết kế thích ứng với thị trường. Ví như nón làng Chuông bây giờ ít người đội nón, nếu bây giờ không có giải pháp thích ứng thì dễ mai một. Cuộc thi này là khởi đầu cho sự quan tâm của thành phố với vùng ven đô. Nếu có thể biến đổi những giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề thành những không gian sáng tạo; nếu các không gian này có thể hỗ trợ nghệ nhân làng nghề thì làng nghề sẽ có cơ hội phát triển. Tiến sĩ Phạm Hùng Cường cho rằng các nhà thiết kế nên về làng nghề để trải nghiệm, từ đó có những ý tưởng. 
 
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, Hà Nội có nhiều làng nghề, nhưng những yếu tố của nghệ thuật của làng nghề ít khi được khai thác và trở thành một phần của nghệ thuật công cộng, qua đó quảng bá nét đẹp làng nghề. Điều này có thể giải quyết nếu có các không gian sáng tạo ở khu vực làng nghề. Các di sản nếp sống ở nông thôn cũng là nguồn cảm hứng cho các không gian sáng tạo, để từ đó xây dựng những tour du lịch chuyên đề. Điển hình như chương trình du lịch vào ngày mùa, ngắm trăng trên cánh đồng, thả đom đóm, ẩm thực làng quê… Thực tế hiện nay, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ biến mất. Chẳng hạn giếng làng vốn là một phần của làng quê xưa, nhưng giờ không còn được sử dụng, trở nên kiệt nước; cổng làng thì bị phá đi. Người dân bảo tồn bằng cách bịt miệng giếng bằng lưới thép. Đó đều là những giá trị tinh thần, những không gian đẹp. Nhưng nếu được tái tạo qua những không gian sáng tạo, người dân có thể tìm ra những giải pháp bảo tồn, thích ứng. 
 
Với những giá trị kinh tế - xã hội và văn hóa không gian sáng tạo đem lại, nhận thức mới về không gian sáng tạo đã có nhiều thay đổi. Cuộc thi Thiết kế này được xem là một khởi đầu mới cho phát triển không gian sáng tạo cho cộng đồng.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t