Kiểm soát phòng, chống dịch bệnh mới trong chăn nuôi (11:45 26/11/2020)


HNP - Với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp Hà Nội cộng với thay đổi tư duy của nông dân khu vực ngoại thành, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản đã được kiểm soát. Song, nguy cơ bùng phát và đã xảy ra dịch bệnh mới trên đàn vật nuôi. Do đó, cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Vẫn có nguy cơ bùng phát
 
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương, các dịch bệnh nguy hiểm, như: tai xanh, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm đều được kiểm soát tốt. Đối với các bệnh thông thường chỉ xảy ra với tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Từ đầu năm đến nay, đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh Tụ huyết trùng, ngoại khoa, sản khoa, tiêu chảy, viêm phổi với tỷ lệ ốm trên tổng đàn là 4,96%, tỷ lệ chết do ốm 0,31%. Đàn lợn mắc các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy, ngoại khoa, tỷ lệ ốm trên tổng đàn là 6,55%, tỷ lệ chết do ốm 7,17%. Đàn gia cầm mắc các bệnh Newcastle, Tụ huyết trùng, dịch tả Gumboro, tỷ lệ ốm trên tổng đàn chỉ 1,38%, tỷ lệ chết do ốm 9,88%. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm vẫn đứng tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu khoảng 28.000 con, đàn bò 130.000 con, đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm k39,6 triệu con (gà khoảng 28 triệu con).
 
Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện tương đối tốt, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát. Sau một thời gian khống chế, mới đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại tái phát ở một số địa phương. Cụ thể, từ ngày 1/9 đến 10/11/2020, bệnh dịch này tái phát tại 26 hộ chăn nuôi ở 20 thôn, 15 xã thuộc 6 huyện (Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ) buộc phải tiêu hủy 385 con lợn, trọng lượng 22.775kg. Còn tính lũy kế từ ngày 1/1 đến 10/11/2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 40 hộ chăn nuôi, số lợn tiêu hủy là 459 con, trọng lượng 28.731kg. Các ổ dịch vẫn đang tiếp tục được theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống, song nguy cơ tái phát rất cao, nhất là những tháng cuối năm 2020. Về cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 14 hộ chăn nuôi ở 8 thôn của 7 xã thuộc 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa), tổng số gia cần tiêu hủy 35.091 con.
 
Đáng ngại, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 38 xã thuộc 15 huyện của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Ninh nguy cơ lây lan trên địa bàn thành phố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, tại các tỉnh này đã có 412 con gia súc mắc bệnh, trong đó số chết là 34 con. Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua công trùng đốt như mỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%, tỷ lệ chế khoảng 1-5%. “Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.
 
Chủ động phòng, chống dịch từ xa
 
Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi và tình hình dịch bệnh mới trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giữ tăng trưởng và tăng tổng đàn vật nuôi. Theo dõi chặt chẽ, giám sát dịch bệnh ngay từ hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan. Trong đó, giám sát chặt chẽ bệnh DTLCP, kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở việc tái đàn lợn bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh.
 
Còn đối với bệnh viêm da nổi cục, tại các địa phương khi chưa có dịch xảy ra, song song thống kê đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn chủ động hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, ghi bị bệnh, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. Chỉ nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cung theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. “Mặc dù tốc độ lây lan của bệnh viêm da nổi cục không nhanh, không lây sang người, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ, thì sự lây nhiễm, ảnh hưởng đến kinh tế chăn nuôi là rất rõ. Vì vậy, chúng tôi cũng đã có phương án, xây dựng kịch bản trong trường hợp khi xảy ra bệnh viên da nổi cục để chủ động ứng phó kịp thời”, ông Nguyễn Huy Đăng cho hay.
 
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, song song thực hiện các giải pháp trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t