Bảo tồn đa dạng sinh học động vật, thực vật: Vẫn nhiều thách thức lớn (20:13 24/11/2020)


HNP - Mặc dù không có nhiều rừng tự nhiên, nhưng rừng của Hà Nội có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong đó, hệ sinh thái động vật, thực vật khá đa dạng, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Vì vậy, công tác bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học đang là một thách thức lớn đặt ra đối với thành phố.

Hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú
 
Hà Nội có nhiều hệ sinh thái động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị cao. Tiêu biểu như Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì) đã ghi nhận 1.209 loài thực vật bậc cao thuộc 99 họ, 472 chi với nhiều loài cây quý hiếm như bách xanh, thông tre, sến mật, quyết thân gỗ, bát giác liên. Tại đây cũng đã thống kê được 503 loài cây làm thuốc. Về hệ động vật có xương sống ở Vườn quốc gia Ba Vì đã ghi nhận 342 loài, trong đó có 65 loài thú, 169 loài chim, 30 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư. Nhóm động vật quý, hiếm có 66 loài, phần lớn là loài động vật rừng nhỏ, hoặc trung bình, tiêu biểu như: cầy vằn, cầy mực, cầy gấm, beo lửa, sơn dương, sóc bay, gà lôi trắng, yểng quạ, khướu bạc má… Ngoài ra, tại Vườn quốc gia Ba Vì đã phát hiện được 552 loài côn trùng thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ, trong đó có 7 loài được ghi trong Sách đỏ gồm: bọ ngựa xanh thường, cà cuống, bướm khế, ngài mặt trăng, bướm rồng đuôi trắng, bướm phượng Hêlen, bướm đuôi kiếm.
 
Rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) cũng có hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Về hệ thực vật có 185 họ, 577 chi, 873 loài, trong đó 25 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Còn về động vật, ở đây có 288 loài thuộc 84 họ, 26 bộ, trong đó 40 loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Với hệ sinh thái động vật, thực vật cùng các danh lam thắng cảnh đền, chùa, rừng đặc dụng Hương Sơn đã được xếp hạng cấp quốc gia để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát triển.
 
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 159 loài với tổng số 58.072 cá thể động vật được nuôi nhốt, trong đó có 102 loài quý hiếm và 57 loài thông thường. Thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn thành phố, trong 2 năm (2018 và 2019), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã điều tra cho thấy, trên địa bàn thành phố có 10 cơ sở nuôi thú linh trưởng với tổng số 1.475 cá thể thuộc 10 loài, trong đó có 9 loài ở Việt Nam và 1 loài nhập ngoại. Tương tự, điều tra tại 7 huyện, thị xã có rừng (Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sơn Tây) phát hiện tại Vườn quốc gia Ba Vì có 4 loài: Cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ cộc, khỉ vàng; khu rừng đặc dụng Hương Sơn có 5 loài: Cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc mông trắng. Trong chương trình sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã ghi nhận trên địa bàn thành phố có 188 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có 104 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc phụ lục I, II, III Cites, 44 cơ sở còn lại nuôi động vật hoang dã thông thường.
 
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh, mặc dù không có nhiều rừng tự nhiên nhưng Hà Nội có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong đó, thành phố có nhiều hệ sinh thái rừng, như: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp; hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi... Đáng chú ý, Hà Nội có 2.193 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 959 chi của 206 hộ và 6 ngành; 65 loài thú thuộc 22 họ trong 7 bộ; 62 loài bò sát thuộc 14 họ của 2 bộ; 42 loài lưỡng cư thuộc 6 họ của một bộ và 773 loài côn trùng thuộc 136 họ của 13 bộ. Mặc dù chưa có phân tích đa dạng di truyền cho các quần thể của một loài nào, nhưng sự có mặt của các loài đặc hữu và quý hiếm như: Voọc mông trắng, cu li nhỏ, cu li lớn, khỉ mặt đỏ... cho thấy các hệ sinh thái trên địa bàn thành phố có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng nguồn gen.   
 
Nỗ lực trong bảo tồn
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, với vai trò quan trọng, những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học động vật, thực vật được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm thực hiện. Song song công tác tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai các chương trình, đề án, dự án như: Hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm; thực hiện các giải pháp bảo tồn hổ. Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội cũng đã thực hiện nhiệm vụ nâng cao, phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ các thôn bản vùng đệm gồm 23 thôn bản thuộc 4 xã của huyện Mỹ Đức nhằm phát huy tốt công tác bảo vệ rừng, hệ sinh thái rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đặc dụng Hương Sơn…
 
Mặc dù sở hữu số lượng lớn các loài động vật, thực vật quý hiếm, tuy nhiên, việc gìn giữ đa dạng sinh học đang là một thách thức lớn đặt ra đối với thành phố. Nhiều loài thực vật đang đứng trước nguy cơ suy giảm, số lượng cá thể ít, hiếm gặp, cá thể nhỏ, chất lượng cây kém. Hằng năm, ngân sách đầu tư cho ngành Lâm nghiệp Hà Nội cũng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, giá trị to lớn của rừng để gây trồng rừng, phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều bất cập và chưa có phương thức bảo tồn đa dạng sinh học một cách hợp lý. Vấn đề giữa bảo tồn và phát triển kinh tế còn nhiều mâu thuẫn, các phương thức quản lý theo hướng bền vững chưa được phát triển rộng rãi, các biện pháp bảo tồn dựa trên cộng đồng chưa được thực hiện đúng mức, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ được các lợi ích từ việc bảo tồn đa dạng sinh học nên chưa có ý thức bảo vệ…
 
Để quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật, thực vật đạt hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại tài nguyên rừng, theo ông Lê Minh Tuyên cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động ngăn chặn các hành vi gây tác hại đến rừng và đất lâm nghiệp. Cùng với đó, ngăn chặn không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ, cần thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các hoạt động nuôi, trồng, khai thác bền vững các loài sinh vật, các giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trong các ngành nông, lâm nghiệp, dược liệu và chế biến; các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc diện bảo tồn đa dạng sinh học phải tiếp tục quản lý nghiêm ngặt hơn.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t