Hỗ trợ để đồng bào dân tộc sống được với ruộng đồng (12:42 29/11/2020)


HNP - Các dự án chú trọng những nội dung chuyển giao, làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… cho người dân. Nhờ đó, khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô được nâng cao, sống được với ruộng đồng…, Đó là kết quả sau 7 năm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển cho 14 xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

- Ông có thể cho biết khái quát kết quả thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô mà ngành Nông nghiệp được giao triển khai thực hiện?
 
-  Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển cho 14 xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô giai đoạn 2013-2020. Qua theo dõi, tôi nhận thấy, các chương trình, dự án, các lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sống miền núi Thủ đô. Chẳng hạn việc tổ chức tập huấn 15 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi, chè cho trên 750 lượt hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản cho các xã của huyện Ba Vì như Khánh Thượng (1ha), Minh Quang (1,5ha), Yên Bài (23ha), Vân Hòa (26,2ha), xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) 4,5ha và xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) 8ha đã giúp bà con dân tộc thiểu số miền núi được tiếp cận với giống mới và quy trình chăm sóc cây trồng tiến bộ, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Hay như việc tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì với nguồn nguyên liệu chủ yếu là sữa thu gom tại 2.469 hộ chăn nuôi tại các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Châu (huyện Ba Vì); hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ cho hộ nghèo miền núi trong 2 năm (2017 - 2018) 135 con bò ở các xã thuộc huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức; hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo miền núi trong 2 năm (2019 - 2020) 80 con ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 670 con bò cái giống với kinh phí 14 tỷ đồng cũng đều giúp các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
 
- Các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển đã có sức lan tỏa như thế nào, thưa ông?
 
- Điều mà tôi tâm đắc là khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô khá nhạy bén để góp phần làm cho hiệu quả sản xuất tăng lên. Nhiều chương trình, dự án, tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ đã cải tạo các nước cây chè già cỗi, chế biến chè an toàn. Cùng với đó việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng nguyên liệu theo hướng thực hành tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng nói, sản xuất phát triển đã kéo theo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tại 14 xã dân tộc miền núi, tỷ lệ hộ nghèo của các xã giảm đáng kể (chỉ còn 1,92%), đời sống của người nghèo và nhân dân từng bước được cải thiện. Đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp đổi thay bộ mặt các xã dân tộc thiểu số miền núi. Đồng bào các dân tộc sống bình đẳng, đoàn kết gắn bó, khắc phục khó khăn, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Toàn thành phố đã có 8/14 xã dân tộc thiểu số miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
 
- Thưa ông, từ những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển cho 14 xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô?
 
- Theo tôi, thứ nhất là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở xã cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thứ hai là, quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, bảo đảm dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao, chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Thứ ba là, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng, nhất là quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Thứ tư là, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò của các trưởng thôn, người có uy tín trong việc vận động đồng bào thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thường xuyên củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
- Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ có triển khai khai những nhiệm vụ, giải pháp nào thưa ông?
 
- Song song triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững; thông tin thường xuyên, kịp thời đến đồng bào về kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, các mô hình ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp…
 
Trên cơ sở Chương trình hành động toàn khóa của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (2020-2025) Đảng bộ thành phố, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu thành phố các mục tiêu, định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tại 14 xã dân tộc miền núi của Thủ đô. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 sẽ xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đến năm 2030, các xã dân tộc thiểu số miền núi tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm để cùng với thành phố Hà Nội phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3-3,5%/năm trở lên, trong đó chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t