Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô: Nhiều đổi thay tích cực (14:49 19/11/2020)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 15/7/2016, của UBND thành phố Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2016-2020” đã thu được những kết quả khả quan. Diện mạo vùng dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô có nhiều đổi thay theo hướng đi lên: Kinh tế phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt…

Cảnh đẹp của xã Vân Hòa, huyện Ba Vì


Bứt phá khỏi đói nghèo, lạc hậu
 
Nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) như được khoác trên mình “tấm áo mới”. Toàn bộ đường làng, ngõ xóm ở địa phương này đã được cứng hóa bằng bê tông, thảm nhựa khang trang sạch đẹp. Ven các tuyến đường giao thông, nhà cao tầng mọc san sát xen giữa màu xanh ngút ngàn của các vườn cây ăn quả, đồi trồng keo tươi tốt. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: “Người dân ở đây đã được thụ hưởng những công trình hạ tầng từ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thành phố Hà Nội. Các công trình này mang tính chất quyết định đến chất lượng xóa đói giảm nghèo của người dân trong tương lai. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm và phương thức đầu tư của Thủ đô đối với vùng đặc biệt khó khăn. Đó là tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”.
 
Không riêng Đông Xuân, 14 xã có đông đồng bào dân tộc thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức) với trên 55.000 người cũng được thụ hưởng từ các chính sách quan tâm của thành phố Hà Nội. Theo tính toán, trong 5 năm qua, tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô là 2.324 tỷ đồng để triển khai thực hiện 224 dự án. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đã được bố trí là hơn 1.631 tỷ đồng cho 216 dự án, trong đó: Ngân sách thành phố hỗ trợ là hơn 1.540 tỷ đồng cho 182 dự án; ngân sách các huyện là gần 80,36 tỷ đồng cho 7 dự án; ngân sách các xã gần 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
 
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải, nhờ sự quan tâm của thành phố, trong 5 năm qua, các xã có đông đồng bào dân tộc của Thủ đô đã bứt khỏi đói nghèo, lạc hậu. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa. Đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống trường chợ, trạm y tế được tu sửa và xây dựng mới cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh và chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. 14/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình…
 
Rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng
 
Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được đồng bào ủng hộ và thực hiện bước đầu đã có hiệu quả. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc miền núi được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từng bước trưởng thành. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng bào dân tộc Thủ đô ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt. Đến nay, 8/14 xã vùng dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 6 xã còn lại: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Khánh Thượng (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức) đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên trong xây dựng nông thôn mới. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, những kết quả này đã rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Để khắc phục một số mặt còn hạn chế, để đẩy mạnh phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, mức sống, thu nhập so với bình quân chung của thành phố…, ông Nguyễn Phúc Hải cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, bảo đảm cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu về giao thông trong khu vực và kết nối hệ thống giao thông chung. Cùng với đó, tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi bảo đảm đủ tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lũ lụt. Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa miền núi với đồng bằng và thành thị...
 
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô đến năm 2025: Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 12%; 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo; phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao… Định hướng đến năm 2030: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô có trình độ phát triển ngang bằng với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. 

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t