Để kinh tế trang trại phát huy được lợi thế so sánh (14:58 19/11/2020)


HNP - Thời gian qua, mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng được mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người dân phát huy được lợi thế so sánh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

Mô hình trồng rau baby của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín


- Ông có thể cho biết thực trạng phát triển kinh tế trang trại của Hà Nội, đặc biệt sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 về quy định tiêu chí kinh tế trang trại?
 
- Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì năm 2011 toàn thành phố có 1.124 trang trại. Đến năm 2016, con số này là 2.836. Năm 2019, Hà Nội có 3.150 trang trại, tăng 2.026 trang trại so với năm 2011. Trong đó có tới 2.700 trang trại chăn nuôi, 193 trang trại tổng hợp, 218 trang trại nuôi trồng thủy sản, 38 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp. Theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT, Hà Nội có 1.720 trang trại (Trồng trọt 69 trang trại, chăn nuôi 1.205 trang trại, lâm nghiệp 01 trang trại, nuôi trồng thủy sản 120 trang trại và trang trại tổng hợp là 325), giảm 1.430 trang trại so với năm 2019. Số lượng trang trại trên địa bàn thành phố đang hoạt động giảm là do các tiêu chí mà Bộ NN&PTNT mới ban hành quy định cao hơn so với trước đây.
 
Như trao đổi ở trên, số lượng và chất lượng trang trại trên địa bàn thành phố phát triển rõ nét. Tổng vốn đầu tư trung bình của 1 trang trại là 2 tỷ đồng. Cá biệt, có những trang trại đầu tư lớn, trên 10 tỷ đồng. Diện tích trung bình của một trang trại là 1,5ha. Thu nhập bình quân của mỗi một trang trại hiện nay đạt 2.2 tỷ đồng/trang trại/năm. Việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Thông qua phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.
 
- Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển những mô hình kinh tế trang trại phù hợp gắn với đặc điểm của từng vùng, miền. Những chính sách này có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế trang trại của Hà Nội ?
 
- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các mô hình kinh tế trang trại của Hà Nội tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Chẳng hạn như chính sách về đất đai, theo quy định, thời gian sử dụng đất để phát triển kinh tế trang trại tối thiểu là 20 năm, kể từ ngày được phê duyệt hoặc phê duyệt lại đã giúp các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân khai thác và sử dụng hiện quả đất đai để phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hóa cao. Việc hình thành các mô hình trang trại cũng đã góp phần sử dụng ít đất, sử dụng nhiều lao động, có tính thâm canh cao gắn với chế biến, thương mại và dịch vụ, làm ra hàng hoá nông sản có giá trị kinh tế lớn.
 
Để các loại hình kinh tế trang trại phát triển bền vững, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ, hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông, chương trình đào tạo nghề cho các chủ trang trại ứng dụng vào trong quá trình sản xuất bảo đảm bảo hiệu quả. 
 
Ngoài ra, các chính sách về thuế, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học, công nghệ, môi trường, chính sách về thị trường… đi vào cuộc sống cũng tạo điều kiện giúp các trang trại ổn định phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm nông sản hàng hoá. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố và xuất khẩu.
 
- Kinh tế trang trại được xác định là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Song thực tiễn cho thấy, các trang trại trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Vậy khó khăn nằm ở khâu nào thưa ông?
 
- Đúng vậy. Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ. Nhiều trang trại phát triển mang tính tự phát, không mang tính chiến lược ổn định và lâu dài. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật của chủ trang trại cũng còn thấp, do đó, việc tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rủi ro của các trang trại tương đối lớn. 
 
Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng theo tôi một phần là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển kinh tế trang trại, chưa đánh giá đầy đủ về vai trò, hiệu quả của kinh tế trang trại trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho kinh tế trang trại phát triển còn hạn hẹp, phần lớn các chủ trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi đối với chủ trang trại còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay vốn.
 
- Để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh, khẳng định ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, ở góp độ quản lý về lĩnh vực này, theo ông, cần có những giải pháp gì?
 
- Trước hết, các địa phương cần rà soát lại quỹ đất để phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi xác nhận đối với trang trại đủ tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. 
 
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi… bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về ưu đãi vốn vay cho phát triển kinh tế trang trại. Về thủ tục vay vốn cần đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên thời gian vay dài hạn mức lãi suất thấp, có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trên đất hoặc bằng dự án, phương án sản xuất kinh doanh của trang trại. 
 
Ngoài giải pháp tạo điều kiện để các trang trại tích cực tham gia vào loại hình bảo hiểm nông nghiệp để góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, sớm khôi phục sản xuất, theo tôi, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao…
 
Một giải pháp nữa mà chúng tôi đang tập trung hỗ trợ là phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm để hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, tăng tính bền vững theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trong bối cảnh hiện nay.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t