Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất phải theo nhu cầu thị trường (19:18 15/11/2020)


HNP - Hội nghị đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc, do Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 13/11/2020, tại tỉnh Thái Nguyên. Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc dựa vào nội lực người dân và doanh nghiệp để thực hiện Chương trình OCOP. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.


- Ông có thể khái quát những ưu thế của Hà Nội trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP?
 
- So với các địa phương lân cận, Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Theo kết quả thống kê, số liệu mà chúng tôi thu thập, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
 
Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có một chương trình tổng thể phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Trên thực tế, Chương trình OCOP đã đóng góp không nhỏ tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.
 
- Vậy việc phân loại đánh giá sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội ra sao thưa ông?
 
- Đối với Hà Nội, sau 2 kỳ đánh giá, thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tiến hành 2 đợt đánh giá, phân hạng với 301 sản phẩm, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm 2019 đề ra. Năm 2020, thành phố Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP, đây là sự cố gắng nỗ lực lớn để đạt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020, thành phố đánh giá, phân hạng 1.000 sản phẩm. Đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thành phố đã tiến hành đánh giá lần 1 đối với 12 quận, huyện, thị xã với 358 sản phẩm OCOP đủ điều kiện từ 3 sao trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố có thêm ít nhất khoảng 700 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, đạt mục tiêu theo Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
 
- Trong nhiều năm qua, “bài toán” đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề hết sức nan giải. Theo ông, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP có giải quyết được thực trạng này hay không?
 
- Đây là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở. Bởi, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường. Do nhiều nguyên nhân, các làng nghề cũng gặp không ít khó trong trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Vì vậy, Chương trình OCOP của thành phố đã xác định rõ quan điểm là từ thị trường, lấy thị trường là tín hiệu, là mệnh lệnh để dẫn dắt sản xuất, từ đó, định hướng các sản phẩm truyền thống phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để hóa giải những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, song song triển khai nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi cũng xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP là nhiệm vụ trọng tâm.
 
Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội được giới thiệu tới khách hàng
 
Trong 2 năm qua (2019-2020), ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương, không chỉ tôn vinh các chủ thể có sản phẩm được thành phố công nhận, cấp sao sản phẩm mà còn hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường chứ không thuần túy là “mình có cái gì thì mình làm cái đó”. Trong các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cũng diễn ra nhiều hội thảo kết nối giao thương sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP và đã có hàng trăm biên bản ký kết, ghi nhớ hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội.
 
- Trong nhiều diễn đàn, ông đều nói thế mạnh trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội là dựa vào nội lực người dân và doanh nghiệp. Trên thực tế, phần lớn sản phẩm của người dân, doanh nghiệp làm ra chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính. Vậy, giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm OCOP?
 
- Hằng năm, Hà Nội đón trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu khách nước người, do đó Hà Nội có nhiều thuận lợi so với các tỉnh lân cận trong quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Xác định rõ lợi thế, thành phố Hà Nội đã giao cho 3 đơn vị gồm: Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
 
Để hướng các sản phẩm OCOP tới thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025, ngoài tìm hiểu rõ thị trường tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm để tổ chức sản xuất, chúng tôi sẽ triển khai một cách bài bản, hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để sản phẩm có cơ hội tiêu thụ trên thị trường thế giới. 
 
Nhân dịp Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, tôi đề nghị cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành bộ máy chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chương trình này. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vào các hệ thống phân phối, siêu thị để đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t