Nhà nước và doanh nghiệp vào cuộc cùng bà con nông dân thực hiện không đốt rơm rạ (16:06 04/11/2020)


HNP - Sáng 4/11, Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đã tổ chức Hội nghị đánh giá ảnh hưởng của đốt rơm, rạ đến môi trường và tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước triển khai Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 18/9/2020, của UBND TP.

Các đại biểu trao đổi các biện pháp giúp người nông dân xử lý nguồn rơm rạ


Tại Hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết: Mỗi năm, trên toàn TP có hàng trăm ngàn tấn rơm rạ được đốt. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, kết nối các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ trên toàn Thành phố, kể từ ngày 01/01/2021, theo Chỉ thị số 15 của UBND TP. Đồng thời, tìm ra các giải pháp phù hợp để tận dụng nguồn rơm, rạ, mang lại lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp. 
 
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng các sở ngành, quận, huyện, tổ chức dân sự, truyền thông, doanh nghiệp đều phải tích cực vào cuộc. Theo lộ trình của Chỉ thị đề ra, đến 30/9/2020, Chỉ thị đã được thông báo đến tất cả các quận huyện trên địa bàn TP; đến 31/12, các quận, huyện thực hiện tất cả các biện pháp hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ để chuyển sang các biện pháp xử lý khác; từ 01/01/2021, TP không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn trên địa bàn. 
 
Trong 2 tháng qua, Chi cục đã phối hợp với các quận, huyện để kết nối với một số doanh nghiệp để triển khai việc thu gom, xử lý rơm, rạ. Đến nay, huyện Thanh Trì, Gia Lâm đã ký cam kết với người dân không đốt rơm rạ. Bên cạnh đó, nhiều huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp đưa các dự án xử lý rơm rạ về với bà con nông dân. Điển hình như tại 09 xã huyện Đan Phượng và 01 xã tại huyện Đông Anh, khi bà con được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ ngay tại ruộng, đã có 2.932 hộ của 09 xã của huyện Đan Phượng ký cam kết không đốt rơm rạ. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho rằng việc đưa Dự án xử lý rơm ngay tại chân ruộng không những bảo vệ môi trường mà còn làm giàu cho nông dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thực hiện, từ đó thực hiện thành công Chỉ thị 15 của UBND TP.
 
Cũng tại Hội nghị, đại diện của các doanh nghiệp thu gom, xử lý rơm rạ; đại diện các doanh nghiệp trồng nấm từ rơm rạ đã chia sẻ các kinh nghiệm trong việc thu gom, xử lý rơm rạ. Đồng thời, khẳng định sẵn sàng vào cuộc, đồng hành cùng các quận, huyện và bà con nông dân thu gom, xử lý rơm rạ để nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như bảo vệ môi trường. Đại diện các doanh nghiệp và các quận, huyện, thị xã cũng kiến nghị Thành phố nên có cơ chế hỗ trợ tiền cho bà con nông dân thực hiện các biện pháp xử lý rơm rạ.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t