Nan giải kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (19:54 22/10/2020)


HNP - Mặc dù siết chặt công tác quản lý, nhưng tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công tự phát trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra. Thực trạng này không những gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, còn là nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đây là vấn đề “nóng”, nan giải, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ giết mổ gia súc, gia cầm. 

Tồn tại 673 cơ sở giết mổ thủ công
 
Sau nhiều nỗ lực, ngành chăn nuôi Hà Nội đã dần hồi phục và mở rộng sản xuất sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Tính đến ngày 1/10, tổng số đàn trâu trên địa bàn thành phố là 27.997 con, sản lượng thịt xuất chuồng là 1.260 tấn; đàn bò thịt là 55.906 con, sản lượng thịt xuất chuồng 9.010 tấn; đàn lợn 1.226.630 con, sản lượng thịt xuất chuồng 162.000 tấn; đàn gà 25,8 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng 78.000 tấn; chăn nuôi thủy cần 11.881 con, sản lượng thịt xuất chuồng 35.000 tấn… Theo tính toán, với tốc độ phát triển chăn nuôi như hiện nay đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô và xuất khẩu.
 
Thế nhưng, ngành chăn nuôi Hà Nội đang đối diện với không ít khó khăn, trong đó có tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm thủ công tự phát xảy ra ở nhiều nơi. Số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ nhiều và phân bố rải rác, nhất là ở vùng nông thôn làm cho lực lượng thú y gặp nhiều khó khăn khi thực hiện kiểm soát giết mổ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố có 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ (62 cơ sở giết mổ trâu và bò, 232 cơ sở giết mổ lợn, 429 cơ sở giết mổ gia cầm, 20 cơ sở giết mổ động vật khác), trong đó, chỉ 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp và 673 cơ sở giết mổ thủ công. Hầu hết các địa điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công tự phát nêu trên không bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở giết mổ thực hiện ngay dưới nền nhà, nền sân nên nguy cơ phát tán dịch bệnh từ giết mổ gia súc, gia cầm rất cao. 
 
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng, chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm cũng dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. 
 
Đáng nói, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Theo bà Đỗ Thị Hương ở thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), tâm lý của người tiêu dùng là phải được tận mắt nhìn thấy con vật sống và được làm sạch sẽ chứ nếu mang gà ở các lò giết mổ tập trung về bán ở chợ sẽ có ít người mua vì chưa tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được làm sẵn. Còn ở quận Hà Đông, được hỗ trợ, một số cửa hàng đã buôn bán thịt đã qua cơ chế, cấp đông, song gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do người tiêu dùng chỉ quen sử dụng thịt nóng, khiến sản phẩm đông lạnh bị tồn đọng kéo dài.
 
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
 
Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, đồng thời gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn theo mô hình chuỗi liên kết sản phẩm. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 8 cơ sở giết mổ công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ. Các sở, ngành thành phố cũng đã phối hợp tích cực với các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, kết quả công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật trong công tác quản lý và xử lý vi phạm…
 
Để quản lý và kiểm soát việc giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, song song với triển khai thực hiện các giải pháp trên, nhất là tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu thành phố có các chính sách xã hội hóa công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc giết mổ gia súc, gia cầm. Các cơ chế, chính sách sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực giết mổ, nhất là ở các huyện có chăn nuôi lớn như Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên... Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững và cũng chính là để kiểm soát được hoạt động giết mổ. 
 
Cùng với hướng dẫn tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Huy Đăng đề nghị các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Nếu kiểm tra các “lò mổ chui” không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép thì kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động; đồng thời triển khai tiếp kế hoạch, vận động đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t