Phát triển văn hóa: Đa dạng các mô hình và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa (16:37 10/10/2020)


HNP - Đến thời điểm này, một trong những mục tiêu lớn của Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2016-2020 là xây dựng mô hình văn hóa cơ sở, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa… đã đạt được kết quả tích cực, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân.

Nhà Văn hóa thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Gia Lâm được đầu tư xây dựng khang trang


Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa
 
Những năm qua, hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được quan tâm triển khai đến các quận, huyện, thị xã, trọng tâm là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá. Việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hưởng ứng và triển khai và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" của thành phố, trung bình hằng năm, đạt trên 85% (so với tổng số hộ dân). Năm 2016, có 86% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; đến năm 2019, toàn thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa".
 
Phong trào xây dựng "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" cũng có nhiều chuyển biến. Năm 2016, mới chỉ có 55,5% làng được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa"; 70% Tổ dân phố được công nhận "Tổ dân phố văn hóa"; đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng là 60% làng được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa" và 70,5% Tổ dân phố được công nhận "Tổ dân phố văn hóa".
 
Hằng năm, công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình, thủ tục công nhận các danh hiệu văn hoá cơ sở được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, chú trọng đến chất lượng. Kết quả, các mô hình đều đạt so với kế hoạch; công tác xây dựng mô hình văn hóa phù hợp hơn với đặc thù của từng địa phương; chất lượng được nâng cao, bước đầu tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Thủ đô.
 
Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố. Huy động nguồn lực trong cộng đồng, nhân dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường và tham gia giám sát việc triển khai thực hiện ở cộng đồng dân cư. Qua quá trình này, xuất hiện một số huyện như: Ứng Hòa, Thanh Oai... có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. 
 
Cụ thể, Huyện Ứng Hoà đã có cơ chế hỗ trợ khi công nhận các danh hiệu văn hoá với mức kinh phí 20 triệu đồng khi công nhận danh hiệu lần đầu; 10 triệu khi công nhận lần thứ 2 trở lên. Trong đó 2/3 kinh phí dùng để mua sắm trang thiết bị nhà văn hoá thôn; hỗ trợ 5 triệu cho cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá. Huyện Thanh Oai xây dựng đề án làng văn hoá kiểu mẫu với những tiêu chí mới để nâng cao chất lượng danh hiệu làng văn hoá trên địa bàn huyện…
 
Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động, thành phố cũng triển khai đề án "Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội" từ năm 2016. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền: từ những mô hình đầu tiên được thí điểm tại Nhà văn hóa thôn Ðoài (huyện Ðông Anh), mô hình sinh hoạt các CLB tại nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố đang được triển khai ở một số quận, huyện, thị xã: Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Sơn Tây... Các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong thời gian tới, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.
 
Hoàn thiện các thiết chế văn hóa
 
Các em học sinh hào hứng đọc sách tại nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức 
 
Công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở những năm gần đây đã thực hiện tốt vai trò và chức năng, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đáng chú ý, trong xây dựng đời sống văn hóa, thành phố đã kết hợp với triển khai xây dựng nông thôn mới, đầu tư một cách bài bản vào xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đặc biệt là cơ sở khu vực ngoại thành. Qua đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được hoàn thiện. Tính đến hết tháng 7/2019, đã có 2.327 trong tổng số 2.526 thôn, làng trên địa bàn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 92,1%.
 
Hà Nội là địa bàn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước. Việc đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở không chỉ giúp cải thiện đời sống văn hóa, mà còn tạo "bệ đỡ" cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, khi các nghệ nhân có không gian để luyện tập, biểu diễn. Ðiển hình như ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có nhà văn hóa, CLB Hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Hiện, CLB có tới gần 40 thành viên. Những dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn bởi các "nghệ sĩ nông dân" đến tập luyện. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các địa bàn như: Tân Hội (huyện Ðan Phượng), Liên Hà (huyện Ðông Anh), Văn Nhân (huyện Phú Xuyên)… 
 
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy chế này sẽ là "bộ khung" để cơ sở xây dựng các phương thức quản lý, tổ chức hoạt động cũng như việc huy động kinh phí, sử dụng nguồn thu… Qua đó, thiết thực nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân…
 
UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, nhiều mục tiêu đã được đề ra như: 100% thôn, 80% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã hoàn chỉnh đề án xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, trong đó, có 30% số xã có trung tâm văn hóa, khu thể thao được đầu tư trang thiết bị; 100% quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao… Đây là cơ sở để hệ thống thiết chế văn hóa thêm hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, đáp ứng các nội dung đã đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26/4/2016, của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", giai đoạn 2016-2020.
 
Hà Nội đang vươn mình phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người dân khu vực ngoại thành đang ngày càng được cải thiện. Không chỉ khu vực nội thành, các làng quê khang trang, đổi mới, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa. Hoạt động hiệu quả của các mô hình văn hóa cùng hệ thống nhà văn hóa cơ sở đã giúp người dân vừa là chủ thể tham gia, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa cũng như góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t