Để Hà Nội không còn hoạt động đốt rơm rạ vào đầu năm 2021 (09:41 06/10/2020)


HNP - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 18/9/2020, về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố”. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu, từ ngày 01/01/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn không đúng quy định trên địa bàn thành phố. Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

- Ông có thể cho biết việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn không đúng quy định ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và sức khỏe?
 
- Theo tính toán, ước tính hằng năm, trên địa bàn thành phố phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Với lượng đốt rơm rạ trên các cánh đồng ước khoảng 352 nghìn tấn/năm đã phát thải ra môi trường lượng lớn CO2, CO, CH4, SO2, N2O, bụi PM10, HAHs. Đây là các phát thải gây hại cho môi trường, gây hại cho sức khỏe người dân, gây nên các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, phổi, nếu kéo dài có thể gây ung thư phổi. Không chỉ ảnh hưởng ngay tại khu vực ngoại thành, các chất độc này theo chiều gió còn phát tán vào khu vực nội thành khiến ô nhiễm môi trường tăng cao. Kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, khi người dân ngoại thành đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí liên tục tăng cao. Chất lượng không khí giảm rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
 
- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn không đúng quy định, tuy nhiên, qua thực tế tình trạng này vẫn xảy ra thưa ông?
 
- Để tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp đã tích cực vận động người dân không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn. Việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ làm phân bón, sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn chăn nuôi gia súc cũng được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền về nhiệm vụ này cũng có sức lan tỏa sâu rộng giúp người dân hiểu rõ tác hại đối với môi trường và sức khỏe, không ít địa phương người dân đã ký cam kết và chấm dứt đốt rơm rạ. Nhờ vậy, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm đáng kể. Người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã có ý thức bảo vệ môi trường và tận dụng rơm rạ vào sản xuất, chăn nuôi.
 
Mặc dù tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn tại các địa phương có giảm, tuy nhiên, theo chúng tôi nắm bắt vẫn chưa bền vững. Nguyên nhân là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ và các phụ phẩm cây trồng tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm rạ các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn. Trong khi, chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này...
 
- Để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu với thành phố chỉ đạo về vấn đề này như thế nào thưa ông?
 
- Chúng tôi đã có tờ trình tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố”. Theo đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với mục tiêu phấn đấu từ ngày 01/01/2021: 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về xử lý môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh học không đúng quy định trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng bảo đảm thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.
 
Đáng chú ý trong Chỉ thị số 15/CT-UBND cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện khi xem xét quyết định tặng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” hằng năm phải căn cứ vào việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này. Tương tự, Chủ tịch UBND cấp xã khi xem xét quyết định danh hiệu “Gia đình văn hóa” hằng năm phải căn cứ vào việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này. Có thể nói với việc thực hiện đồng bộ các nội dung trong Chỉ thị số 15/CT-UBND, tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn không đúng quy định.
 
- Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai những nhiệm vụ nào để thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND thưa ông?
 
- Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND. Song song với tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát trách nhiệm thực thi của các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tích cực kêu gọi, khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ trong việc xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trên địa bàn thành phố. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t