Ngành GD&ĐT góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa-xã hội (09:44 06/10/2020)


HNP - Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020", Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô đã nỗ lực, tích cực, sáng tạo và quyết tâm cao trong chỉ đạo, triển khai 11 nhiệm vụ trọng tâm, 01 đề án, hoàn thành 03 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tốt. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành GD&ĐT, phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. 

GD&ĐT Thủ đô mở rộng về cả quy mô và chất lượng


Mở rộng về quy mô và chất lượng
 
Ngành Giáo dục Thủ đô với 65 năm thành lập và phát triển với quy mô giáo dục lớn nhất nước, đóng góp một lực lượng trí thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn 2016-2019, nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp. Toàn Thành phố đã xây mới được 261 trường, cải tạo 841 trường với 16.346 phòng học, tổng kinh phí khoảng 14.351 tỷ đồng ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS; xây mới và thành lập 04 trường THPT với kinh phí 450 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 89 trường với kinh phí 290 tỷ đồng. Tính đến năm học 2020-2021, toàn ngành Giáo dục Hà Nội có 2.794 trường học, trong đó, có 2.792 trường mầm non, phổ thông với 62.223 nhóm lớp và 2.110.600 học sinh.
 
Trong 5 năm qua, toàn thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện ổn định và tiếp tục được nâng lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Điểm bình quân các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đều tăng. Năm học 2014-2015, điểm trung bình môn Toán là 5,36, môn Văn là 6,35; sang đến năm học 2019-2020, điểm trung bình môn Toán là 5,99, môn Văn là 6,50. 
 
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT được giữ vững và từng bước được nâng lên. Năm 2015, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 92,51% (cao hơn cả nước 0,93%); đến năm 2020, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 99,52%. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm; số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh các khối đăng kí dự thi đại học có tổng điểm đạt từ 15,0 điểm trở lên chiếm 90,72% trong tổng số học sinh đăng ký dự tuyển; Hà Nội cũng có thí sinh thủ khoa khối D với tổng điểm 29,0 điểm.
 
Kết quả giáo dục mũi nhọn giữ vững thành tích đạt được, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Từ 16 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, 140 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2014-2015, đến năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi với 155 giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (gồm 14 giải Nhất; 47 giải Nhì; 56 giải Ba và 38 giải Khuyến khích); tham dự 22 cuộc thi khu vực và quốc tế, đạt 283 giải và huy chương (với 75 Huy chương Vàng; 83 Huy chương Bạc; 95 Huy chương Đồng và 30 giải Khuyến khích)…
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên của ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được kết quả tốt. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và trình độ lý luận chính trị của đội ngũ CBQL, giáo viên ngày càng được nâng cao. Đội ngũ CBQL, giáo viên toàn ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác dạy học, giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, Hà Nội có 100% giáo viên ở các cấp học đang đứng lớp đạt chuẩn đào tạo, trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn cao (Mầm non 80,93%, Tiểu học 95,20%, THCS 82,77%, THPT 36.05%).
 
Cơ sở vật chất khang trang tại Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng
 
Tăng cường hội nhập quốc tế - Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và mô hình trường chất lượng cao
 
Ngành GD&ĐT đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Kết quả đột phá đó là thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An từ năm 2017. Từ năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình này tại 7 trường THCS, 2 trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố. Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài trong giáo dục, năm học 2013-2014, Hà Nội có 29 dự án đầu tư nước ngoài; Đến nay, có 77 dự án giáo dục có vốn nước ngoài đầu tư thành lập trường quốc tế, cơ sở bồi dưỡng ngắn hạn, góp phần thúc đẩy các yếu tố cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp các dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
 
Tính đến thời điểm tháng 8/2019, trên địa bàn Thành phố có 26 trường non và 11 trường cấp phổ thông liên cấp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội. Bên cạnh đó, toàn thành phố hiện có 46 trường mầm non và phổ thông thực hiện chương trình liên kết với nước ngoài. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, sự phát triển của các cơ sở giáo dục trên đã kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập của con em người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hà Nội và nhu cầu của học sinh Việt Nam muốn học chương trình nước ngoài.
 
Đối với công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao, ngành Giáo dục đã đạt thành tích xuất sắc, hoàn thành chỉ tiêu hàng năm đặt ra. Năm 2015,  thành phố có 53,3% trường đạt chuẩn quốc gia, đến tháng 7/2020, đạt 72,0% trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện, thành phố có 19 trường chất lượng cao được công nhận, phát huy tác dụng tốt đối với học sinh, tạo nền tảng phát triển mô hình trường tự chủ trong giai đoạn tới. Hệ thống trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia với nội dung, phương pháp có nhiều đổi mới phù hợp với mục tiêu giáo dục và nhu cầu của người học, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ rõ nét. Học sinh ra trường đạt được trình độ của chuẩn đầu ra đối với học sinh cùng cấp và đạt được các yêu cầu của cơ sở đào tạo về các kỹ năng mềm như: ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống theo cam kết của nhà trường và theo quy định với trường chất lượng cao. Hầu hết các trường được công nhận chất lượng cao, chuẩn quốc gia đều đã tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới nhằm đào tạo con người phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức, sự tự tin, tư duy tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội hiện nay.
 
Nâng cao đạo đức, lối sống của học sinh
 
Thành phố tổ chức lễ phát động tìm hiểu an toàn giao thông trên Internet nhằm nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh
 
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các cấp học trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Cùng với việc thực hiện nâng cao chất lượng việc dạy học các bộ môn văn hoá, toàn ngành đã triển khai hiệu quả việc giảng dạy Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” và “Giáo dục an toàn giao thông” cho học sinh phổ thông Hà Nội.
 
Năm học 2019-2020 là năm học thứ 9 thực hiện có chất lượng việc giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh toàn Thành phố, kết quả triển khai có tác động tích cực trong việc khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh ngày nay được kế thừa truyền thống thanh lịch, nét văn hoá đặc trưng của người Hà Nội, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức đối với học sinh Hà Nội. Đồng thời, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh. Năm học 2014-2015, tỷ lệ học sinh cấp THCS đạt hạnh kiểm tốt ở mức 84,71% và tăng hàng năm, cao nhất đạt 92,44% vào năm học 2017-2018; đối với học sinh THPT, năm học 2014-2015 đạt tỷ lệ 78,24%, năm học 2018-2019 đạt 85,73%; giảm tối đa các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường ở các cấp học. 
 
Bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phố thông Hà Nội" được dạy thí điểm và triển khai đại trà cho học sinh lớp 1, 6, 10 từ năm học 2018-2019. Tài liệu được thực hiện giảng dạy trong chương trình hoạt động tập thể hoặc giờ sinh hoạt tập thể được giao về các lớp, dạy trong giờ sinh hoạt lớp. Hình thức tổ chức hoạt động thông qua trải nghiệm, đóng tiểu phẩm, vẽ tranh, thi tìm hiểu luật an toàn giao thông (ATGT), liên hệ thực tế... Qua đó, đã có tác động rất tốt trong giáo dục hành vi của học sinh tham gia giao thông an toàn, đáp ứng việc tuyên truyền, giáo dục và thực hiện tốt các quy định về ATGT hiện nay.
 
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030 thì việc tiếp tục phát triển ngành GD&ĐT, phát triển con người, lấy con người là trung tâm của chiến lược phát triển vẫn phải được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, đòi hỏi ngành GD&ĐT phải nỗ lực, cố gắng. Cùng với đó, phải đổi mới sáng tạo, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn và tập trung triển khai các giải pháp cơ bản để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành.
 
Tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý hoàn toàn tin tưởng ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t