Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng (16:11 28/09/2020)


HNP - Do tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải đối diện với những khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bằng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất nông nghiệp của thành phố từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, không riêng nông dân, mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động. Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề xuất các giải pháp với thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Cùng với đó, Sở tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
 
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với hàng loạt giải pháp và các đề xuất với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã gượng dậy phục hồi sản xuất, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Hà Nội 8 tháng đầu năm 2020. Nổi bật là lĩnh vực chăn nuôi, theo tính toán, đến nay, số lượng đàn trâu trên địa bàn thành phố là 24.800 con, tăng 2,48% so cùng kỳ năm 2019; đàn gia cầm là 38,5 triệu con, tăng 4,96% (trong đó, đàn gà 26,9 triệu con, tăng 5,49%); đàn lợn khoảng 1,27 triệu con, tăng 4,96%. Về sản lượng thịt xuất chuồng, thị trâu là 1.141 tấn, tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2019; thịt gia cầm đạt 101.800 tấn, tăng 19,08%; sản lượng trứng gia cầm đạt 827 triệu quả, tăng 21,62%... Kết quả thống kê sơ bộ, sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 của thành phố đạt khoảng 72.742 tấn, tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 71.649 tấn, tăng 5,97% và chủ yếu là sản lượng cá…
 
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng đã có tiến bộ rõ rệt. Trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả, trồng hoa cảnh, cây cảnh… Hà Nội cũng duy trì và hỗ trợ 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho nông dân; triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến, đến hết năm 2020, toàn thành phố có 1.816 trang trại trồng trọt, chăn nuôi.
 
Tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
 
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2020 là 4,12% và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này những năm tiếp theo, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, kiểm soát dịch bệnh, quy trình chăn nuôi an toàn, bảo đảm chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP theo đúng quy định; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm sinh sản trên địa bàn ưu tiên cung cấp giống cho các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhằm khôi phục, phát triển chăn nuôi ổn định, bảo đảm mục tiêu phát triển phát triển tổng đàn và từng loại vật nuôi theo kế hoạch đề ra. Khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
 
Còn về lâu dài, theo ông Chu Phú Mỹ, quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố đang diễn ra theo chiều rộng, tất yếu sẽ dẫn đến việc giảm một phần khá lớn diện tích đất nông nghiệp. Do đó, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp thực hành tốt (VietGAP, GlobalGAP…), nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ… là xu thế tất yếu. Mặt khác, nông nghiệp Hà Nội dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị, nhất là những thay đổi tiến bộ từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trong đó có công nghệ sinh học sẽ góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ các sản phẩm nông sản có chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Để tạo sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là cấp thiết, đặc biệt là công nghệ cao, vì vậy, thành phố đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống khu kinh tế hỗ trợ tại các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Ba Vì...
 
“Trên cơ sở quy hoạch, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố quan tâm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường…”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t