Bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội (15:36 23/09/2020)


HNP - Sáng 23/9, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội” nhằm chia sẻ, nắm bắt các xu hướng phát triển sản phẩm và vận dụng cụ thể để xây dựng, phát triển, khai thác sản phẩm phục vụ phát triển du lịch Thủ đô; đồng thời, kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý - tổ chức khoa học - doanh nghiệp du lịch - điểm đến du lịch, phục vụ phát triển du lịch Thủ đô thích ứng với dịch Covid-19 và các biến đổi thiên nhiên, xã hội khác.

Quang cảnh buổi Tọa đàm


Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, dịch Covid-19 đã gây tác động chưa từng có trong nhiều thập kỷ, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế xã hội ngưng trệ, trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đối với ngành Du lịch Thủ đô, ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm 2020, đã tác động mạnh đến tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước (đạt 6,29 triệu lượt khách), trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội giảm 75,6% (đạt 1,02 triệu lượt); khách du lịch nội địa giảm 65% (đạt 5,27 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% (tương đương giảm 43.699 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đồng chí Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, sau đại dịch Covid -19, ngành du lịch mở ra những xu hướng mới cần có sự cơ cấu lại để thích ứng; du lịch an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân. Nhiều nhu cầu du lịch mới được hình thành, đòi hỏi ngành Du lịch Thủ đô cần xây dựng được những sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu trong tương lai, vừa mang tính truyền thống, độc đáo, vừa mang tính khác biệt và có giá trị sáng tạo cao.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận chia sẻ xu hướng du lịch hậu Covid-19, phát triển sản phẩm du lịch để thích ứng với giai đoạn hiện tại và trong tương lai; kinh nghiệm khai thác thế mạnh của điểm đến, hay sáng tạo các tour lữ hành, liên kết trong phát triển du lịch…

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, một trong những kinh nghiệm là phải có yếu tố truyền thông quảng bá du lịch. Qua đợt kích cầu du lịch lần thứ nhất đã cho thấy hiệu quả của tính liên kết trong phát triển du lịch

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, với các doanh nghiệp ngoài việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo thì cũng tính đến loại hình này phù hợp trong khoảng thời gian nào, ngay thời điểm hiện tại, hay sẽ trong thời gian dài, khi dịch bệnh Covid-19 chưa kiểm soát được trên thế giới và ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát và mô hình, thói quen du lịch truyền thống sẽ không còn được duy trì. Do vậy, trong đợt kích cầu du lịch tới đây, ngoài yếu tố giảm giá sẽ cần có yếu tố mới, các doanh nghiệp cần sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới có chiều sâu và lâu dài. Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò quan trọng trong vai trò tạo ra một sản phẩm chất lượng độc đáo, có chiều sâu, có tính liên kết.

Đồng quan điểm trên, ông Phùng Xuân Khánh, Doanh nghiệp du lịch Tiên phong Tourist cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp muốn sáng tạo nhưng thiếu ý tưởng, việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo nhưng phải đáp ứng đại trà, chứ không phải chỉ là nhu cầu của một nhóm đối tượng. Và cần có thông điệp thống nhất khi truyền thông về sản phẩm du lịch đó thì mới tạo được hiệu ứng, và tác động nhu cầu khám phá trải nghiệm của du khách.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã cho thấy rõ giá trị của du lịch nội địa. Trong bối cảnh mới này, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có nhiều sản phẩm du lịch mới và đang xem xét triển khai cho ra sản phẩm công nghệ 3D giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tái hiện một số hình ảnh, câu chuyện lịch sử gắn với Di tích này. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tú cũng đặt ra sự quan tâm về tính bền vững của sản phẩm chỉ mang tính ứng phó trong giai đoạn hiện nay hay trong thời gian dài, làm sao để việc xây dựng sản phẩm độc đáo phù hợp với yêu cầu thu hút khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển với hiệu quả cao.

Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Trần Trung Hiếu cảm ơn ý kiến đóng góp, chia sẻ tâm huyết của các đại biểu; đồng thời, khẳng định, trong 4 yếu tố căn bản tạo nên chất lượng một điểm đến gồm: điểm hấp dẫn, khả năng tiếp cận, các tiện nghi phục vụ khách và các hoạt động du lịch; thì yếu tố hấp dẫn đứng hàng đầu trong quyết định lựa chọn của du khách. Các sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo sẽ tạo ra nhiều sự hấp dẫn của điểm đến. Việc xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao đòi hỏi sự phối hợp liên kết giữa điểm đến, doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ. Việc liên kết sẽ tạo ra những sự phát triển mạnh hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của thành phố về phát triển kinh tế và phòng chống Covid, ngành du lịch đang cố gắng kết nối, đồng thời thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tạo động lực phục hồi tăng trưởng cho ngành du lịch Thủ đô.


Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t