Thống nhất trong công tác quản lý, đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn Thành phố (20:00 11/09/2020)


HNP - Ngày 04/9/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND về quản lý, xây dựng, sử dụng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2020, thay thế cho các Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND và số 26/2014/QĐ-UBND. Phóng viên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, về những điểm mới cũng như kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tuyến đường Xã Đàn sau khi hạ ngầm đường dây điện lực, viễn thông


PV: Là đơn vị trực tiếp soạn thảo, tham mưu cho lãnh đạo Sở, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND, ngày 04/9/2020, xin đồng chí cho biết, so với các Quyết định 56 và 26, Quyết định này có những điểm mới nổi bật nào? 
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ: Năm 2009, để quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND, ngày 27/3/2009, và Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND, ngày 23/6/2014, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND, ngày 27/3/2009. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 04/6/2016, Thành phố chuyển đổi cơ chế đầu tư xây dựng và quản lý, duy trì, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật) theo phương thức xã hội hóa. 
 
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND. Sau khi có hiệu lực vào ngày 15/9/2020, Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố. So với 02 Quyết định số 56 và 26, Quyết định số 17 có 03 điểm mới.
 
Thứ nhất, bổ sung một số nội dung liên quan công tác quản lý, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp bằng nguồn vốn doanh nghiệp nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào phát triển của Thủ đô, đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội góp phần cải thiện cảnh quan đô thị (sáng, xanh, sạch) và tiết kiệm chi phí từ ngân sách nhà nước.
 
Thứ hai, bổ sung một số nội dung trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, công tác nghiệm thu, bảo trì công trình và công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và theo giấy phép thi công được cấp theo các quy định tại Luật Xây dựng, Thông tư số 15/2016/TT-BXD, ngày 30/6/2016, của Bộ Xây dựng về hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND, ngày 24/6/2016, của UBND thành phố Hà Nội. Tăng cường trách nhiệm của các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, các đơn vị quản lý hệ thống cột cũng như các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố.
 
Thứ ba, điều chỉnh một số nội dung về công tác lắp đặt dây, cáp viễn thông theo hướng chú trọng vào công tác hậu kiểm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành. Đối với việc khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, các đơn vị đầu tư, quản lý công trình bố trí ưu tiên cho công tác lắp đặt đường dây, cáp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, công ích của các đơn vị trên địa bàn Thành phố.
 
PV: Quy định mới có ý nghĩa như thế nào đối với việc quản lý, xây dựng, cải tạo các công trình ngầm hạ tầng đô thị và đường dây cáp thông tin đi nổi tại Hà Nội?
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ: Ngày 04/9/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND. Việc ban hành quyết định mới này sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng phát triển mạng lưới viễn thông trên địa bàn, phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng Thành phố thông minh, phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
 
Đồng thời, thống nhất về công tác quản lý, đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp trên địa bàn Thành phố; thống nhất đầu mối trong quá trình triển khai cấp phép thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (cống bể, hào, tuynel kỹ thuật) trên địa bàn Thành phố giảm thủ tục hành chính về cấp phép. Triển khai đồng bộ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5800/QĐ-UBND, ngày 22/8/2017. 
 
Ngoài ra, Quyết định mới cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố theo hình thức xã hội hóa, nhằm chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông theo chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Chỉ thị số 52/CT-BTTTT, ngày 11/11/2019.
 
PV: Xin đồng chí cho biết, hiện nay, việc triển khai hạ ngầm dây cáp thông tin, điện lực trên các tuyến phố Hà Nội đã được thực hiện đến đâu? Bao nhiêu tuyến phố đã hoàn thành? 
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ: Triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND Thành phố Hà Nội với Tập đoàn, Tổng Công ty và Công ty viễn thông trên địa bàn Thành phố ngày 04/6/2016 về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông, đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 (gồm 06 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Xây dựng đô thị Hà Nội), Sở TT&TT phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trình UBND Thành phố ban hành các Quyết định: số 3761/QĐ-UBND, ngày 08/7/2016, của UBND Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai công tác hạ ngầm; số 4751/QĐ-UBND, ngày 31/8/2016, của UBND Thành phố về việc thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai công tác hạ ngầm. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông vào công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để các doanh nghiệp triển khai.
 
Từ năm 2016 đến nay, Liên Sở: Xây dựng - Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành 08 văn bản chấp thuận danh mục 255 tuyến (tương đương 370 tuyến, phố) triển khai theo hình thức xã hội hóa, chiều dài khoảng 230km trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Tây Hồ. Tính đến hết tháng 8/2020, các Nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành xây dựng công trình ngầm trên 150/255 tuyến phố, phấn đấu cơ bản hoàn thành danh mục các tuyến đã phê duyệt trong Quý I/2021 (105 tuyến).
 
Các tuyến đường, phố sau khi hoàn thành hạ ngầm, thanh thải, cắt hạ dây cũ, cột cũ cảnh quan đô thị được cải thiện, đường phố phong quang, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ và được nhân nhân đồng tình ủng hộ; đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đề ra tại Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”.
 
PV: Đồng chí có thể cho biết kế hoạch của Sở TT&TT trong việc triển khai nội dung công việc này thời gian tới ?
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ: Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND, ngày 04/9/2020, của UBND Thành phố; Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành công tác đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và hạ ngầm tại các tuyến phố thuộc danh mục các tuyến đã được UBND Thành phố phê duyệt trong Quý I/2021.
 
Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 giữa UBND thành phố Hà Nội ký kết ngày 27/6/2020 với 08 Nhà đầu tư (Viettel, VNPT Hà Nội, Mobifone, FPT, CMC, HTC, SCTV và Cty CP ĐTTM&XD Đô thị Hà Nội) đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục triển khai việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông tại các tuyến phố phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2020-2025; Phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận và các đơn vị liên quan rà soát, trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục các tuyến phố (dự kiến, 300 tuyến phố trên địa bàn 12 quận nội thành và một số huyện lên quận) để triển khai hạ ngầm giai đoạn 2020-2025; Phối hợp Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội triển khai công tác thanh thải, bó gọn các đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố, các ngõ trên địa bàn Thành phố chưa đủ điều kiện hạ ngầm để đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp và an toàn giao thông.
 
Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t