Để một “mùa Vu lan” an toàn (16:04 01/09/2020)


HNP - Tháng 7 âm lịch theo quan niệm dân gian là “mùa Vu lan”, là lễ “xá tội vong nhân”, dịp này, nhiều người đi lễ đền, chùa, phủ... Trước diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, các di tích trên địa bàn thành phố đã tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều chùa tổ chức lễ Vu lan trực tuyến đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử.

Chùa Phúc Khánh tổ chức lễ Vu lan trực tuyến


Thực hiện nghiêm phòng chống dịch tại nơi thờ tự
 
Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 trở lại Việt Nam sau hơn 3 tháng, từ đầu tháng 8/2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các di tích lịch sử văn hóa. Do chưa cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội, những di tích lớn vẫn có không ít khách tham quan, điển hình như: Phủ Tây Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ... 
 
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, nhưng ngày mùng 1-7 âm lịch, hàng nghìn người vẫn đổ đến phủ Tây Hồ lễ bái, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh khiến Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ phải đóng cửa, ngừng đón khách. Không chỉ phủ Tây Hồ, các di tích như: chùa Quán Sứ, chùa Hà... cũng tập trung rất đông người. Sau sự việc này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; các di tích tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
Nhằm chuẩn bị cho ngày rằm tháng Bảy âm lịch (lễ Vu lan báo hiếu, lễ xá tội vong nhân), các di tích đã lên kế hoạch từ rất sớm. Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (nơi có di tích phủ Tây Hồ) Đỗ Ngọc Long cho biết: Phường Quảng An đã sớm bố trí lực lượng túc trực tại di tích để đôn đốc, nhắc nhở người đi lễ thực hiện các biện pháp phòng dịch. Riêng trong 3 ngày cao điểm là 14, 15, 16 âm lịch đã huy động đại diện các ban ngành, đoàn thể có mặt ở di tích cùng lực lượng an ninh sẵn sàng ứng phó với với các tình huống. Phường Quảng An cũng lắp đặt rào chắn để kiểm soát lượng người vào. Theo đó, đã chuẩn bị sẵn 2.000 khẩu trang và dung dịch nước rửa tay sát khuẩn phục vụ nhân dân. Trường hợp nào không tuân thủ sẽ bị xử phạt. 
 
Tương tự, các di tích quan trọng khác như: chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ... đều dán thông tin cảnh báo người đi lễ về dịch bệnh Covid-19 và tổ chức các biện pháp phòng chống dịch như cung cấp nước sát khuẩn, nhắc nhở người đi lễ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... 
 
Tổ chức lễ Vu Lan trực tuyến
 
Do dịch Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ giữa tháng 8/2020, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố; Học viện Phật giáo Việt Nam, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đề nghị các cơ sở thờ tự tổ chức lễ Vu lan vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, khuyến khích tăng ni các chùa, các Ban Trị sự tổ chức lễ hội Vu lan trực tuyến qua các ứng dụng. Đồng thời, để bà con nhân dân vẫn bày tỏ được tình cảm tri ân, báo ân của mình mà không phải tập trung đông người để phòng chống dịch. Do đó, nhiều cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến để Phật tự thể hiện đạo hiếu mà không phải tập trung đông người. 
 
Thông thường, những ngày cuối tuần trước ngày rằm tháng 7, các di tích thu hút rất đông người đi lễ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ sớm; cùng với việc các chùa tổ chức Vu lan trực tuyến nên trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, các di tích lớn trên địa bàn đều khá vắng vẻ. Các di tích như: phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ... lác đác mới có người đến lễ bái. Nhìn chung, người dân có ý thức phòng chống dịch bệnh khi đi lễ. 
 
Nhiều ngôi chùa thu hút đông đảo Phật tử mỗi dịp lễ đã tiên phong triển khai theo đúng chủ trương này. Trong đó, phải kể đến chùa Bằng, quận Hoàng Mai, đã sớm tổ chức lễ Vu lan trực tuyến, từ ngày 20/8. Một cơ sở thờ tự luôn thu hút đông đảo Phật tử khác là chùa Phúc Khánh cũng đã thông báo cho Phật tử từ rất sớm việc tổ chức lễ Vu lan trực tuyến; thông báo thời gian tổ chức và Phật tử có thể tham gia trên fanpage của nhà chùa. Lễ Vu lan trực tuyến của chùa được tổ chức vào tối 14/7 âm lịch. Anh Nguyễn Chí Dũng, quận Đống Đa chia sẻ: “Tôi được các nhà sư giải thích tổ chức Vu lan trực tuyến cũng không làm giảm đi ý nghĩa tâm linh của ngày lễ. Do đó, mọi năm, tôi hay đi lễ chùa Phúc Khánh. Nhưng năm nay, tôi cũng tham gia các khoá lễ từ xa. Theo anh Dũng, trong bối cảnh dịch bệnh, an toàn là điều quan trọng nhất.
 
Tại một số địa bàn như: thị xã Sơn Tây, huyện Hoài Đức, huyện Thanh Oai... chính quyền đề nghị các di tích tạm thời đóng cửa. Do nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên Ban Quản lý các di tích đều chấp hành nghiêm túc. 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t