Nỗ lực để hạn chế ô nhiễm không khí (14:35 20/08/2020)


HNP - Chất lượng môi trường không khí luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Những năm qua, thành phố đã có đầu tư nhất định để cải thiện chất lượng môi trường không khí. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí xuất phát từ đâu?

- Chất lượng không khí ở Hà Nội chịu tác động từ nhiều nguồn. Thứ nhất là về điều kiện thời tiết và khí hậu. Thời điểm không khí lạnh suy yếu, tốc độ gió giảm... không khí không đối lưu được, các chất ô nhiễm tích tụ nhiều ngày bị nén xuống sát mặt đất khiến bầu khí quyển bị bao phủ một lớp sương mờ đục, trời âm u sẽ dẫn đến chất lượng không khí bị ô nhiễm. Ngược lại, những ngày trời mưa, có gió mùa Đông Bắc, chất lượng không khí lại được cải thiện ở mức tốt…

Thứ hai là do chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm nội sinh dẫn đến chỉ số về ô nhiễm không khí tăng cao. Xung quanh Hà Nội còn có rất nhiều làng nghề sản xuất, khu công nghiệp, nhà máy, công trình xây dựng và nhiều hoạt động khác, hằng ngày thải ra môi trường lượng lớn chất thải và theo gió di chuyển vào Hà Nội, kết hợp với nguồn ô nhiễm nội sinh làm cho không khí ô nhiễm.

- Mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố như thế nào thưa ông?

- Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Những bụi này thường được phát thải ra từ các phương tiện giao thông như: Ô tô, xe máy, sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, rác thải, vàng mã ngoài trời. Các hành động này khiến lượng khói bụi thải ra ngoài môi trường lớn hơn bình thường. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn. Loại bụi này có kích thước rất nhỏ, chúng lơ lửng trong không khí và được gọi là PM2.5. Nồng độ bụi mịn được tính theo 6 bậc thang đo chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI). Nếu AQI từ 0-50, không khí ở mức tốt; từ 51-100, là mức trung bình; từ 101-150 là mức kém; từ 151-200 là mức xấu; từ 201-300 là mức rất xấu và từ 300 trở lên.

- Những loại bụi này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người không thưa ông?

- Bụi mịn từ 20um đến dưới 2.5um có kích thước nhỏ (bằng 1/30 sợi tóc), khối lượng nhẹ, chúng lơ lửng và choán đầy trong không khí, dễ dàng len lỏi qua các khe cửa, vì vậy, dù đóng kín cửa sổ trong nhà vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, loại bụi siêu mịn (PM2.5) là loại bụi có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn. Một khi đã vượt qua được lá chắn bụi ở phổi, chúng đi vào cơ thể và rất khó đi ra, tích tụ nhiều sẽ gây ra một số bệnh mạn tính cho con người, đặc biệt các bệnh liên quan đến hô hấp.

- Thưa ông, trước tình trạng trên, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện những chương trình, dự án nào để cải thiện ô nhiễm?

- Đáp ứng sự kỳ vọng của người dân Thủ đô và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội luôn chú trọng việc kiểm kê nguồn thải để xác định nguồn gây ô nhiễm không khí và lượng khí thải phát sinh để xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng không khí. Bằng nỗ lực, thành phố đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động. Hiện, thành phố cũng đang triển khai tiếp nhận tài trợ 50 trạm quan trắc không khí cảm biến, đầu tư thêm 20 trạm quan trắc cố định, 1 xe quan trắc lưu động, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Ngoài ra, trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong; triển khai thành công mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại các huyện ngoại thành... Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn thành phố đã trồng được hơn 1,5 triệu cây xanh tạo cảnh quan và giảm hiệu ứng nhà kính.

Cùng với đó, các sở, ngành thành phố cũng đã chủ trì, phối hợp tập trung triển khai đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thiểu ô nhiễm.

- Là cơ quan chuyên quản về lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có những khuyến nghị gì để kéo giảm ô nhiễm không khí một cách bền vững?

- Để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí ở Thủ đô, cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp của thành phố. Đặc biệt, rất cần sự chung tay, phối hợp của nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp, thay đổi thói quen, có lối sống lành mạnh và tích cực. Cụ thể như tham gia các phương tiện giao thông công cộng, thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp thân thiện với môi trường.

Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống. Tăng cường kiểm tra, xử lý xe vận chuyển vật liệu xây dựng, rác thải không đảm bảo che chắn, phát sinh ô nhiễm. Triển khai có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tối thiểu euro 4, 5. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường Thủ đô.

- Theo ông, để chung tay cùng thành phố hạn chế gây ô nhiễm không khí, mỗi người dân cần làm gì?

- Trước mắt, để cải thiện chất lượng không khí, cần sự chung tay của cả cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn. Đồng thời, để có thể chủ động phòng tránh ô nhiễm, người dân nên thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại các trang thông tin moitruongthudo.vn và airhanoi.hanoi.gov.vn. Khi đó, tùy theo các mức cảnh báo ô nhiễm người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Trong thời gian cảnh báo ô nhiễm không khí nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt nhóm nhạy cảm không nên ra khỏi nhà. Nếu buộc phải ra đường, người dân cần đeo khẩu trang hoặc áp dụng các biện pháp khác để hạn chế phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t