Thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp: Vẫn gặp vô vàn khó khăn (11:22 06/08/2020)


HNP - Mặc dù đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa nhưng tình trạng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Thủ tục thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn… Để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó, tạo tiền đề cho tích tụ đất đai, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn.

Tích tụ đất đai - xu thế tất yếu

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ gia đình hơn chục thửa ruộng, sau dồn điền đổi thửa, nền sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh đã chuyển dần sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Ngay sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, huyện đã định hình phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Thanh Lâm; vùng trồng rau an toàn tại các xã Tráng Việt (200ha), Tiền Phong (93ha), Tiến Thắng (14,5ha); vùng trồng các loại hoa cúc, hồng, ly và một số giống hoa mới ở các xã Mê Linh, Chu Phan, Văn Khê (trên 500ha), vùng cây ăn quả ổi, bưởi, chuối tại các xã: Hoàng Kim, Tráng Việt, Văn Khê, Tiến Thịnh (trên 400ha). Các vùng sản xuất này từng bước phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả, bền vững, giá trị kinh tế cao. Theo tính toán, đến nay, giá trị sản phẩm trên một héc ta trồng trọt của huyện đạt 175 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Huyện Sóc Sơn cũng là một trong những điển hình thực hiện thành công trong công tác dồn điền đổi thửa của Hà Nội. Là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất thành phố với hơn 13.200ha, trước đây, mỗi hộ dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn có từ 10-16 ô thửa, cá biệt có gia đình trên 30 thửa ruộng. Thực hiện chủ trương của thành phố, từ năm 2012, huyện Sóc Sơn đã quyết tâm triển khai dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, từ chỗ phải canh tác trên nhiều thửa ruộng ở các cánh đồng khác nhau, sau dồn điền đổi thửa, đến nay, hộ gia đình trên địa bàn huyện chỉ tập trung sản xuất tại 1-2 thửa ruộng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội có hơn 197.795ha đất sản xuất nông nghiệp. Xác định tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, thành phố Hà Nội đã tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Năm 2012, trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa, mỗi hộ gia đình ở nông thôn trung bình có từ 7-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô thửa rất khó có thể sản xuất trên quy mô lớn. Nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, diện tích đất trung bình của một hộ khoảng 0,18ha và mỗi hộ trên địa bàn thành phố chỉ còn 1-2 ô, thửa, rất thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu.

Sau dồn điền, đổi thửa trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, như các vùng trồng lúa chất lượng cao cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất truyền thống 20-25%; vùng trồng rau an toàn cho giá trị thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả cho giá trị thu nhập 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh cho giá trị thu nhập 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm; các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với giá trị đạt 5-6 tỷ đồng/hộ/năm, cá biệt có hộ đạt 150-200 tỷ đồng/hộ/năm; vùng nuôi trồng thủy sản cho giá trị thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Đáng chú ý, sau dồn điền đổi thửa không chỉ đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, thực hiện các chính sách về đất đai, mà từng bước định hình thị trường đất nông nghiệp, như: Cho thuê quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất trên địa bàn, tạo cơ hội thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp Hà Nội.

Đặt trong tổng thể để giải quyết

Mặc dù Hà Nội đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, song thực trạng đất sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô sản xuất nông hộ là chủ yếu. Nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp cho rằng, với đặc thù đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, doanh nghiệp không thể yên tâm đầu tư. Trong khi đó, tư duy của một bộ phận cán bộ quản lý và nông dân chậm đổi mới, vẫn có tâm lý giữ đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất. Thủ tục thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng rất phức tạp. Hầu hết các mô hình tích tụ đã có chưa bảo đảm thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện thỏa thuận dân sự rồi thực hiện, ảnh hưởng tới công tác quản lý đất đai và khi có vướng mắc phát sinh sẽ khó khăn trong việc giải quyết…

Để xây dựng và thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều ý kiến đề xuất, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường đất nông nghiệp vận hành. Trong đó, tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm giúp người dân hiểu biết các quyền cho thuê đất, góp đất nông nghiệp. Song song với tuyên truyền, theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, hằng năm, cần có chương trình tổng kết, đánh giá các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất có hiệu quả, từ đó, phổ biến và nhân rộng…

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, tích tụ đất đai được xem là tiền đề để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất phù hợp. Về việc này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, có thể chính quyền địa phương thuê quyền sử dụng đất của các hộ nông dân, sau đó, ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp sẽ đào tạo, huấn luyện nông dân cho thuê quyền sử dụng đất để nhận họ vào làm cho doanh nghiệp. Hoặc các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho tư cách pháp nhân là hợp tác xã, sau đó, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ cùng sản xuất, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 6122/VP-ĐT, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp đề xuất của Sở NN&PTNT để xem xét ban hành các chính sách đất đai (đất nông nghiệp) phù hợp với quy định của Luật Đất đai và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Trước đó, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp pháp triển thị trường đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t