Nâng cao chất lượng sản phẩm để Người Việt Nam tự hào với sản phẩm hàng Việt (14:23 31/07/2020)


HNP - Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội, Cuộc vận động tiếp tục thu được những kết quả khả quan, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt


Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường
 
Trong thời gian qua, Thành phố đã tạo điều kiện để triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn. Cụ thể, Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 trung tâm mua sắm, bán buôn và 01 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thành phố năm 2020. Đến nay, thành phố có 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, khoảng 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động; 02 trung tâm logistics, 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quản lý, phát triển mô hình kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện nay, có trên 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố. Cùng với đó, Sở Công thương xây dựng và tổ chức triển khai 3 phương án về đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong quý II/2020, tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng thiết yếu (lượng hàng hóa tăng từ 3-5 lần so với tháng thường); hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân. Về phía UBND các quận, huyện, thị xã đã giới thiệu địa điểm tổ chức bán nông sản thực phẩm để hỗ trợ các địa phương có khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa năm 2020.
 
BCĐ CVĐ TP và các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với chính quyền các cấp chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19, khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước gắn với thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trong đó: Sở Công thương tham mưu tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố, hội nghị đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tăng trưởng của thành phố nói chung, ngành công thương nói riêng, nắm bắt thông tin những khó khăn của doanh nghiệp, qua đó, đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương; tham mưu UBND Thành phố ban quyết định thành lập Cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn 2 (huyện Ứng Hoà), nâng tổng số cụm công nghiệp lên 26 cụm, trình UBND Thành phố xem xét thành lập mới 24 cụm công nghiệp…
 
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã triển khai các Kế hoạch về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; “Kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020”; phối hợp với Sở NN&PTNT đề xuất xây dựng một số điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Ngoài ra, Sở Công thương triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ, liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị đã tổ chức trao trên 200 biên bản ghi nhớ ký kết giữa 50 doanh nghiệp, nhà phân phối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã…
 
Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam
 
Nhằm đẩy mạnh phát triển CVĐ, mới đây, BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã họp giao ban BCĐ 6 tháng đầu năm 2020; đồng thời, triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Tại hội nghị, sau khi nghe các ý kiến của các sở, ngành, các thành viên BCĐ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng BCĐ CVĐ thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hồi phục và phát triển kinh tế, vừa tiếp tục phòng dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị.
 
Cuộc vận động cần thay đổi theo hướng người Việt Nam tự hào với sản phẩm hàng hóa Việt Nam, cùng với đó doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao đối với thương hiệu, sản phẩm mình làm ra, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị để hoạt động theo hướng thực chất hơn.
 
Các Hội chợ đã góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với người tiêu dùng Thủ đô
 
Để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ, BCĐ CVĐ thành phố cũng yêu cầu các đơn vị cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền CVĐ; Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, đồng thời, lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
 
Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội hậu dịch Covid-19; Triển khai chương trình kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020; Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp. Tổ chức chương trình “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuât kinh doanh, thúc đấy tăng trưởng trên địa bàn Thành phố. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t