Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020):


Phát huy truyền thống, tạo niềm tin cho người lao động (14:33 28/07/2020)


HNP - 91 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vai trò nòng cốt trong phong trào công nhân, viên chức, lao động; đóng góp công sức, trí tuệ, của cải và cả tính mạng cho công cuộc giành độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh củng cố tổ chức, tạo niềm tin cho người lao động.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động Thủ đô giai đoạn 2020-2025


Truyền thống hào hùng

Công đoàn Việt Nam tiền thân là Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, được thành lập ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón (Hà Nội). Trong 91 năm hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn giữ vững vị trí là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động, là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Cùng với sự ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, công nhân Hà Nội đã sớm giác ngộ cách mạng, hình thành những cuộc đấu tranh sơ khai, tự phát, tiến tới bãi công, đình công có tổ chức liên tiếp nổ ra, đòi giới chủ phải thực hiện yêu sách của mình và tham gia vào các phong trào yêu nước khác.

Cuối năm 1928, Tổng Công hội Hà Nội được thành lập, là cơ sở để thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28-7-1929. Ngày 31-7-1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức thành lập sau khi nước nhà độc lập, thay cho Hội Công nhân cứu quốc. Đây là những mốc son đánh dấu sự phát triển của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội các thời kỳ, tổ chức Công đoàn Thủ đô luôn thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng và lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Hệ thống Công đoàn Thủ đô không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ một vài chục hội viên Công hội đỏ những ngày đầu thành lập vào năm 1928, đến 2.000 hội viên công nhân cứu quốc vào năm 1945, đến tháng 7-2020 đã có 608.630 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt tại 8.899 công đoàn cơ sở trực thuộc 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 29 công đoàn cơ sở trực thuộc.

Luôn là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên và người lao động

Phát huy bề dày truyền thống 91 năm qua, các cấp Công đoàn Hà Nội đã và đang nỗ lực hoàn thiện trọng trách của tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho tiếng nói của người lao động, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, với tiêu chí duy nhất là vì lợi ích đoàn viên Công đoàn. Nổi bật như các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên Công đoàn qua ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền thành phố với công nhân lao động; tổ chức chương trình “Tết sum vầy”...

Bên cạnh đó, Công đoàn Thủ đô tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, công nhân giỏi, sáng kiến sáng tạo, thi tay nghề…Trong 5 năm (2015-2020) đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở; 320 cá nhân được trao bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” của UBND thành phố Hà Nội. Có trên 243.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 8.755 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở; 535 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Cùng với đó “Tháng Công nhân” hằng năm là dịp để Công đoàn tri ân, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hướng về người lao động. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động thành phố đã chọn chủ đề “Tháng Công nhân” là: “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Để hưởng ứng đã có 6.968 công đoàn cơ sở phát động thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; 965 công đoàn cơ sở ký mới, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể.

Ngoài ra, để thực hiện duy trì việc làm cho người lao động, đã có 5.846 công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động áp dụng nhiều biện pháp nhằm ổn định sản xuất, duy trì việc làm, tạo sự yên tâm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, các cấp Công đoàn thành phố đã thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng.

91 năm chặng đường vẻ vang, với những gì đã đạt được cho thấy nỗ lực bền bỉ, lòng nhiệt huyết và niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, chặng đường trước mắt với nhiều nhiệm vụ to lớn hơn, đặc biệt là để đáp ứng những đòi hỏi từ tiến trình hội nhập quốc tế, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những cơ hội và thách thức đang đặt ra, các cấp Công đoàn Thủ đô tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời tự tin vào bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo để tiếp tục ghi thêm những thành tích mới, tô thắm trang sử vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


Bùi Huyền Mai


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t